Chạy xe trên tuyến đường liên xã được bê-tông hóa khang trang, nối từ thôn Đá Mài Dưới đến thôn Đá Liệt, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng quê vốn rất nhiều khó khăn trước đây. Toàn xã Phước Kháng với hơn 500 nóc nhà được xây dựng kiên cố, lưới điện được kéo về tận thôn nên đa phần người dân đã mua sắm được thiết bị nghe nhìn, xe máy phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Đồng chí Ka-tơ Đượng, Chủ tịch UBND xã phấn khởi, cho biết: Lúc mới “hạ sơn”, do thiếu tư liệu sản xuất, kỹ thuật canh tác lạc hậu nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% dân số. Từ năm 2008 đến nay, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, bà con được cấp đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cán bộ Nông nghiệp tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa nước, bắp lai, chăn nuôi bò, dê, cừu… nên đời sống nhân dân dần đi vào ổn định.
Công trình thủy lợi Bà Râu kết hợp hệ thống giao thông xây dựng kiên cố
đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của đồng bào xã vùng cao Phước Kháng.
Thông qua các lớp tập huấn, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích vào sản xuất 215 ha bắp lai, mỗi năm cho thu hoạch từ 4-5 tấn/ha. Mô hình “Trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất đồi dốc” với nhóm cây trồng chủ lực gồm: điều, mãng cầu, mít, xoài, chuối… cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng/hộ/năm. Mô hình trồng mía quy mô 23 ha ven hồ Bà Râu của 119 hộ nghèo thu nhập mỗi năm từ 2-3 triệu đồng/sào. Đặc biệt, với việc triển khai và thực hiện tốt Đề án 661 (trồng mới 5 triệu ha rừng), từ năm 2008 đến nay, 227 hộ dân trong xã không những góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống, đồi trọc mà còn ổn định được cuộc sống gia đình nhờ được hưởng các chế độ về chăm sóc, bảo vệ rừng.
Không giấu được niềm vui trước sự đổi thay của quê hương, ông Chamaléa Ta, 68 tuổi, thôn Đá Mài Dưới phấn khởi: Năm 2013, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước bà con nhân dân trong xã có đường bê-tông về tận ngõ xóm. Ngần này tuổi tôi mới được đi trên con đường đẹp như vầy. Có đường, có trường, có Trạm Y tế gần nhà, chúng tôi mừng lắm, phấn khởi lắm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã “đuổi” cái đói, cái nghèo ra khỏi thôn.
Toàn xã Phước Kháng có gần 90% nhà cửa kiên cố, 98% số hộ gia đình sử dụng điện; 100% bà con được khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế; huy động 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo giảm từ 58,3% (năm 2010) xuống 32,5 % (năm 2013).
Học sinh xã Phước Kháng được học tập trong cơ sở giáo dục khang trang. Ảnh: Sơn Ngọc
Khi chúng tôi hỏi về chuyện học, đồng chí Ka-tơ Đượng, khoe: Toàn xã hiện có 6 điểm trường mẫu giáo, TH, THCS đáp ứng nhu cầu học tập của 481 học sinh. Tất cả các trường được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đảm bảo việc dạy và học. Hiện địa phương có 2 em đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Đây là điều chưa từng có trước đó. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Toàn xã có 3/5 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, 86,6 % Gia đình văn hóa. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Chia tay Phước Kháng trong tiết trời đầu xuân. Chạy xe dọc tuyến đường nhựa ven núi, dừng chân trên bờ đập Bà Râu, nhìn những nóc nhà khang trang, lấp ló sau những rặng cây rừng, chúng tôi tin rằng vào một ngày không xa vùng cao Phước Kháng sẽ ngày thêm khởi sắc, bà con chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Phạm Lâm