Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận: Tạo bước đột phá nâng cao chất lượng đào tạo nghề

(NTO) Trong năm học qua, tập thể CB-GV và học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận (Nhà trường) đã nỗ lực, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, áp dụng nhiều giải pháp hữu hiệu về góc độ quản lý, tác động vào quá trình đào tạo và tự đào tạo, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho Ninh Thuận. Các kết quả nổi bật trong năm qua như sau:

TS. Bùi Đức Tú
Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Nghề Ninh Thuận

Công tác tuyển sinh

Nhờ những nỗ lực vượt bậc với nhiều giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo và linh hoạt, nên mặc dù các trường bạn gặp khó khăn về công tác này, nhưng đến nay, Nhà trường đã tuyển sinh được 1.808 HS, SV trình độ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và Sơ cấp nghề. Đây là một thành tựu rất ấn tượng và có ý nghĩa đặc biệt đối với tập thể Nhà trường nói riêng và nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà nói chung. Bởi vì, số lượng tuyển sinh hệ nghề càng cao thì càng thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị khóa XI, theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Hơn nữa, thành tựu về công tác tuyển sinh đã góp phần tạo nên niềm tin và sự phấn khởi của tập thể CB, GV về tương lai phát triển của Nhà trường.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Trước hết, việc duy trì sĩ số đã có sự tiến bộ đáng khích lệ. Tỷ lệ học sinh bỏ học 8.2% (giảm 11,8% so với chỉ tiêu đề ra tại Hội nghị CB-VC năm học 2012-2013 là 20%). Kết quả này là kết tinh của sự phấn đấu đồng bộ của tập thể lãnh đạo và cán bộ quản lý, giáo viên Nhà trường. Học sinh bỏ học ít hơn cũng là một trong những minh chứng cho sự tiến bộ về chất lượng đào tạo nghề.

Kết quả xếp loại học lực của HS, SV cao hơn cùng kỳ năm trước. Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã phân công và chỉ đạo trực tiếp cho Phòng Đào tạo và Đối ngoại xây dựng kế hoạch, tiến độ đào tạo chung cho toàn trường. Trên cơ sở đó, các khoa lập kế hoạch giáo viên, kế hoạch xưởng thực hành, vật tư thực hành; điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong chương trình khung nhằm phù hợp với tình hình thực tế của Nhà trường và địa phương.

Chuyên gia Tư vấn GIZ của Cộng hòa Liên bang Đức hướng dẫn HS-SV
Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận thực hành nghề cơ-điện tử.

 Chỉ đạo các khoa nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế chuyên môn, rà soát bổ sung đề cương bài giảng, hướng dẫn soạn giáo án, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu đổi mới. Nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các khoá học nâng cao trong và ngoài nước nhằm tiếp cận trình độ quốc tế, đồng thời tự học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn; học tập trao đổi lẫn nhau thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, dự giờ lên lớp. Tổ chức cho giáo viên viết giáo trình lưu hành nội bộ, làm đồ dùng dạy học. Chuẩn bị tốt cho Hội thi thiết bị dạy học tự làm năm 2013, nên 2/2 thiết bị của Nhà trường dự thi đều đoạt giải Quốc gia, vượt nhiều trường Cao đẳng Nghề trong khu vực.

Vì vậy, cuối năm số HS, SV có học lực từ trung bình trở lên là 794/936 HS, SV (chiếm tỷ lệ 85%), trong đó, học sinh đạt loại khá trở lên chiếm tỷ lệ 35%. Học sinh tốt nghiệp năm học 2012-2013: 437 HS, SV, đạt 100%.

Nhà trường đã chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nghề, coi đây là động lực để thầy và trò thi đua rèn luyện, không ngừng nâng cao tay nghề, để chuẩn bị cho Hội thi tay nghề Toàn quốc năm 2014.

Trên 70% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định. Trong đó có khóa Cao đẳng Nghề Điện công nghiệp được các doanh nghiệp tiếp nhận 100%.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng về kỹ năng nghề, vấn đề giáo dục về đạo đức, chính trị tư tưởng và tác phong công nghiệp cũng được Nhà trường kiên trì thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt và sinh động.

Tham gia hiến máu tình nguyện với kết quả hết sức ấn tượng: có 120 người tham gia tăng 126,4% so với cả năm học 2010-2011, tăng 192,7% so với năm trước.

Có 18 đề tài, sáng kiến đã triển khai thực hiện, trong đó Hội đồng khoa học Nhà trường công nhận 12 đề tài, sáng kiến (có 2 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh năm 2013 công nhận) đề tài có hiệu quả và được đánh giá cao, có tác dụng tích cực trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho tỉnh nhà.

Xây dựng được Đề án xác định vị trí làm việc Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do các cấp, các ngành tổ chức, như Giải thi đấu Cầu lông Công đoàn viên chức truyền thống lần thứ VI/2012 (đoạt 1 giải nhất đơn nam cầu lông, 1 giải nhất đôi nam). Hội diễn văn nghệ quần chúng CNVCLĐ tỉnh Ninh Thuận lần thứ IX năm 2012, đoạt giải 3 tốp ca.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, giao lưu thi đấu bóng bàn, bóng đá, cầu lông,.. trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, duy trì thường xuyên hoạt động của CLB Bóng bàn, CLB Bóng đá, Đội Văn nghệ của trường…nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ, giáo viên và HS-SV.

Công tác an toàn về tài sản, an ninh trật tự trong Nhà trường luôn được đảm bảo, vệ sinh môi trường luôn “ Xanh - Sạch - Đẹp” tạo được ấn tượng tốt đối với khách đến liên hệ công tác.

Đoàn kết nội bộ luôn được tăng cường. Ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong làm việc văn minh, lịch sự, khoa học, hiệu quả của mỗi cán bộ, viên chức của trường.

Mối quan hệ giữa Nhà trường và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đã được xây dựng và ngày càng được củng cố là điều kiện để trường có địa chỉ tin cậy cho HS-SV thực tập và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Trong năm 2013, Nhà trường đã đào tạo nghề cho 239 người theo Đề án. Tỷ lệ giải quyết việc làm sau khi đào tạo nghề cho lao động trong năm học qua đạt 100%. Có được điều này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Phòng Quản lý Dạy nghề; mối quan hệ giữa Trường và hai doanh nghiệp (Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận và Công ty TNHH May Tiến Thuận), Trường đã tiến hành đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp tiếp nhận toàn bộ học viên sau đào tạo. Đối với nghề Thuyền trưởng, Máy trưởng, Thuyền viên tàu cá thì thật sự cần thiết cho đại bộ phận lao động các xã, phường, thị trấn ven biển làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản.

Tóm lại, Nhà trường đã đạt được một số kết quả ấn tượng trong năm qua, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Ninh Thuận. Đặc biệt, uy tín và giá trị thương hiệu của Nhà trường được nâng cao trên địa bàn tỉnh, cả nước, tạo điều kiện cho việc phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo. Vì vậy, Nhà trường được UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen về Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 năm học liền.

Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận, cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và với nỗ lực phấn đấu của toàn thể CB-GV-CNV và HS-SV Nhà trường, có thể tin tưởng sâu sắc rằng Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với tinh thần: Đột phá chất lượng đào tạo nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Nghề Ninh Thuận