Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự thảo Luật

Tiếp tục Phiên họp thứ 24, chiều ngày 13/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa, tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu bổ sung 01 chương về quá cảnh; bổ sung 09 điều; bỏ 01 điều; chỉnh sửa 40 điều trên tổng số 46 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình UBTVQH có 09 chương, 57 điều.

Đi vào các vấn đề cụ thể xin ý kiến UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay, trên thực tế, việc miễn thị thực đơn phương được Chính phủ đánh giá bước đầu là có hiệu quả. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, việc quy định thẩm quyền của UBTVQH như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp. Để bảo đảm chặt chẽ và chủ động, khẳng định chủ quyền của nước ta khi quyết định đối với vấn đề này, đề nghị UBTVQH cho bổ sung cụm từ "có thời hạn" vào sau cụm từ "đơn phương miễn thị thực".

Đối với vấn đề miễn thị thực của người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hiện đang thực hiện theo các Nghị định và Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia nên Thường trực UBQPAN đề nghị bổ sung thẩm quyền của UBTVQH quy định vấn đề này trong Luật.

Về thẩm quyền mời, bảo lãnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Thường trực UBQPAN cho rằng, việc quy định mời bảo lãnh của cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được thành lập theo pháp luật Việt Nam là phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoạt động đối ngoại trong quá trình hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế cần quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân đáp ứng yêu cầu quản lý. Theo đó, đề nghị bổ sung theo hướng bao quát đầy đủ các chủ thể và quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam.

Cũng trong Phiên họp chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng đã báo cáo 6 vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH. Trong đó, liên quan đến vấn đề đăng ký, đăng kiểm và điều kiện hoạt động của phương tiện GTĐTNĐ, Thường trực UB KH,CN&MT cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đăng ký, đăng kiểm phương tiện còn thấp là do chưa làm cho người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc đăng ký, đăng kiểm là không chỉ để quản lý phương tiện GTĐTNĐ mà còn để xác lập quyền sở hữu tài sản cũng như bảo đảm an toàn cho chính chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Ngoài ra, việc tổ chức đăng ký hiện nay ở địa phương cũng chưa tạo thuận lợi cho chủ phương tiện... Do đó, đồng thời với việc phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ phương tiện đăng ký, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi trong việc đăng ký phương tiện.

Đối với đề nghị mở rộng loại phương tiện được miễn đăng ký, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Cần đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của người dân chứ không phải để giải quyết vấn đề tỷ lệ đăng ký thấp, vì vậy, cần quy định theo hướng không mở rộng loại phương tiện được miễn đăng ký so với Luật hiện hành, đồng thời giao Bộ GTVT bổ sung quy định giao UBND cấp xã tổ chức đăng ký các phương tiện này vào các văn bản dưới luật.

Đối với ý kiến đề nghị xem xét lại quy định các phương tiện không có động cơ trọng tải từ 5 tấn đến dưới 15 tấn không cần phải đăng kiểm, Thường trực UB KH,CN&MT cho rằng, do đây là các phương tiện thô sơ, có trọng tải không lớn, chủ yếu hoạt động trong nội đồng. Do đó, Dự thảo Luật đưa các phương tiện này ra khỏi diện đăng kiểm là phù hợp…/.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam