Quần đảo Trường Sa hiện có 9 hải đăng, ở các đảo: Song Tử Tây, Tiên Nữ, Đá Tây, Đá Lát, An Bang, Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Các hải đăng này do Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam (Bộ Giao thông vận tải) trực tiếp quản lý. Lực lượng cán bộ, công nhân viên công tác tại đây phải luôn đảm bảo hoạt động của hải đăng trong mọi tình huốngvà luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và ngư dân trên quần đảo. Và không biết từ bao giờ, mọi người đã quen với một danh xưng thân thương, gần gũi dành cho ngọn hải đăng là “nhà đèn”. Không ít người hài hước gọi các anh là những vị “thần đèn” của Biển Đông.
Hải đăng đảo Trường Sa Lớn.
Anh Đoàn Văn Tấn, Trưởng trạm Hải đăng-đảo Trường Sa cho biết: Chúng tôi phải luôn bảo đảm phát tín hiệu ra-đa liên tục 24/24 giờ. Ngoài ra, anh em phải bảo quản, bảo dưỡng tốt thiết bị đèn và hệ thống pin mặt trời, máy phát điện của hải đăng. Hải đăng đảo Trường Sa cao 27 m, tầm nhìn công trình ban ngày khoảng 14,5 hải lý, tầm nhìn ánh đèn vào ban đêm là 18,4 hải lý, tín hiệu ra-đa chữ T với tầm hiệu lực khoảng 10 hải lý.
Được biết, tín hiệu ra-đa và quy cách phát đèn của mỗi ngọn hải đăng được đăng ký với Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), theo tọa độ và thông tin điểm đảo mà hải đăng đóng chân. Những thông tin này được công khai rộng rãi trên toàn thế giới, bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền trên từng vùng biển. Hoạt động của hải đăng trên quần đảo Trường Sa vì thế còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò là một thành viên của IMO.
Bên cạnh công tác chuyên môn là đảm bảo tín hiệu hải đăng, “nhà đèn” đôi khi cũng nhận được tín hiệu cấp cứu từ các phương tiện tàu thuyền gặp nạn. Các anh thông báo cho lực lượng cứu hộ và nhiều lần tham gia trực tiếp ứng cứu trong phạm vi khả năng hoạt động của mình.
Gắn bó 20 năm với các ngọn hải đăng, với anh Tấn, ngôi nhà hình trụ bát giác và những công việc thường ngày của “nhà đèn” còn thân quen hơn cả phố cảng Hải Phòng-quê hương anh. “Mới ra đảo thì chắc chắn sẽ thấy nhớ nhà, nhưng một khi đã quen với cuộc sống ở đảo thì cứ về bờ, anh em lại nhớ đảo. Có lẽ vì thế mà những ai đã bước vào nghề này rồi thì cũng đều có thâm niên bám đảo”, anh Tấn tâm sự.
Từng công tác ở 6 điểm hải đăng trên quần đảo Trường Sa, anh Trịnh Văn Nguyên có thể kể rõ chi tiết đặc điểm từng ngọn hải đăng mà anh gắn bó. 18 năm anh trực canh ánh sáng trên các đảo tiền tiêu cho tàu thuyền qua lại an toàn cũng là số tuổi của con trai mà anh yêu thương. Có một hậu phương vững chắc, một gia đình để hướng về là có cả một niềm tin vô bờ, một nguồn động viên lớn với những người ngày đêm canh giữ biển, đảo như các anh. Xen giữa những câu chuyện về các loài cá biển, về kỷ niệm với từng ngọn hải đăng, anh kể về cái Tết ở “nhà đèn”: Cũng giống như cán bộ, chiến sỹ trên các điểm đảo, việc đón tết nơi đảo xa đã trở nên quen thuộc với chúng tôi. Bánh, mứt, thực phẩm thì không thiếu thốn, chỉ có đôi chút bồi hồi trong đêm giao thừa, pháo hoa là ngàn sao lấp lánh trên đầu. Anh em nhà đèn và hải quân cũng tranh thủ sáng Mồng Một qua lại chúc tết, thăm hỏi, động viên nhau, thế cũng gọi là đủ đầy rồi.
Nhìn ngọn hải đăng vươn cao vững chãi trên bầu trời xanh trong của đảo lớn Trường Sa, tôi như thấy những vị “thần đèn” ẩn hiện trong đó với màu da rám nắng, kiên cường trước sóng gió. Ý chí của họ rực sáng như những ngọn đèn đang giữ. Ánh sáng ấy là những tấm “bùa hộ mệnh” cho tàu, thuyền giữa biển khơi cuộn sóng, dù là những đêm sao trời lấp lánh hay trong giông bão trùng khơi.
Bảo Bình
(gửi về từ Trường Sa)