Ghi nhận từ Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ II

(NTO) Sau một năm phát động, ngày 27-12, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ II (2012-2013) đã tổng kết. Đây là Hội thi được đánh giá khá thành công, khi một số đề tài tham gia hội thi có khả năng ứng dụng cao.

Hội thi nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của xã hội trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện CNH, HĐH đất nước. Có 34 đề tài ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghiệp gửi đến Hội thi.

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng cho các tác giả đoạt giải.

Trong đó, có những đề tài mang lại hiệu quả kinh tế, có khả năng ứng dụng, nhân rộng cao như: Đề tài “Hệ thống chống trộm thông minh, tự động chụp ảnh trộm lưu dữ liệu vào ổ cứng máy tính khi có trộm và cảnh báo, báo động đa hình thức” của tác giả Đỗ Phương Anh (Sở Thông tin và Truyền thông); Đề tài “Trồng thử nghiệm cây râu mèo để nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa cây dược liệu tại tỉnh Ninh Thuận” của tác giả Bùi Văn Kỳ (Sở Y tế). Có đề tài được hình thành từ thực tế yêu cầu nâng cao chất lượng dạy nghề như “Như mô hình điều khiển cánh tay máy năm bậc tự do bằng PLC” của tác giả Trần Văn Linh (Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận). Đặc biệt, Hội thi lần này có tác giả Nguyễn Phương (phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) là công nhân trình độ học vấn lớp 9 nhưng đoạt giải cao với đề tài “Công nghệ chế tác khối cầu đá phong thủy”, mang tính sáng tạo, được chọn tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Điều ghi nhận từ Hội thi là đã khơi dậy và phát huy tiềm năng sáng tạo về Khoa học & Công nghệ trong mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả các đề tài gửi đến Hội thi có tính sáng tạo, phục vụ nhu cầu cuộc sống, công việc của nhiều người. Kết quả đã phản ánh được tinh thần lao động sáng tạo và đam mê khoa học-kỹ thuật của người dân Ninh Thuận. Đồng chí Đỗ Trung Thu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phó Ban Tổ chức Hội thi, cho biết: nhân tố quyết định thành công của Hội thi đó là có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh và sự phối hợp tuyên truyền, triển khai nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan, góp phần không nhỏ vào thành công của Hội thi.

Tuy vậy, theo đành giá của BTC Hội thi vẫn còn những hạn chế nhất định như số người dự thi còn ít so với tiềm lực thực tế. Nhận thức của lãnh đạo một số ngành, địa phương và người dân về nội dung cuộc thi chưa đúng với yêu cầu dẫn đến tâm lý e ngại không tham gia, dù có nhiều sáng kiến kỹ thuật đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất, cuộc sống. Bên cạnh đó, các đề tài dự thi nhìn chung thể hiện tính mới, tính sáng tạo còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Những hạn chế này cần được khắc phục để Hội thi lần sau thành công hơn.

Bài học kinh nghiệm rút ra là, để Hội thi đạt kết quả, thành viên BTC phải là những người có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền tạo ra phong trào thi đua lao động sáng tạo kỹ thuật sâu rộng để phát huy nội lực, khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật, nhân dân lao động tham gia nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để ngày càng có nhiều đề tài sáng tạo đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Thực tế cho thấy, cơ quan, đơn vị nào có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thì ở đó phong trào sáng tạo càng cao, cụ thể như ngành Y tế có 20 đề tài tham gia.

Kết thúc Hội thi, BTC đã trao giải Nhì (không có giải Nhất) cho đề tài “Công nghệ chế tác khối cầu đá phong thủy” của tác giả Nguyễn Phương (phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm); 4 đề tài: “Hệ thống chống trộm thông minh, tự động chụp ảnh trộm, lưu dữ liệu vào ổ cứng máy vi tính khi có trộm và cảnh báo, báo động đa hình thức” của tác giả Đỗ Phương Anh (Sở Thông tin và Truyền thông), “Trồng thử nghiệm cây râu mèo để nhân rộng mô hình sản xuất hàng hóa cây dược liệu tại tỉnh Ninh Thuận” của tác giả Bùi Văn Kỳ (Sở Y tế), “Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và yếu tố liên quan ở bà mẹ có con dưới 2 tuổi ở huyện Thuận Nam” của tác giả Phan Đinh Huy Trường (Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận), “Mô hình điều khiển cánh tay máy năm bậc tự do bằng PLC” của tác giả Trần Văn Linh (Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận) đồng giải Ba.