Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “Dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để lực lượng lao động nước ta tiếp thu khoa học kỹ thuật, linh hoạt chuyển đổi ngành nghề, nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, làm thế nào phát huy tối đa cơ hội này, hạn chế thấp nhất tác động của tình trạng già hóa dân số, tạo ra những bước tiến mang tính đột phá đưa đất nước phát triển, lại chẳng hề dễ dàng.
Cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30- 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quí giá này. Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
Nếu biết tận dụng thời cơ "Dân số vàng", Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển
kinh tế-xã hội. Ảnh minh họa
Thực tế cho thấy, cơ hội dân số vàng không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Nếu giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, “dân số vàng” sẽ không có giá trị nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề.
Ngoài ra, tình trạng già hóa dân số cũng sẽ đặt ra nhiều vấn đề về chính sách đối với người cao tuổi. Tuổi thọ của người Việt Nam sau nửa thế kỷ đã tăng từ 40 (năm 1960) lên 73 tuổi (năm 2010) và sẽ còn tăng hơn nữa trong ba, bốn thập kỷ tới. Hãy vượt qua thách thức của giai đoạn già hóa dân số bằng những chính sách thích ứng về phát triển mạng lưới y tế lão khoa và hệ thống an sinh xã hội. Đó cũng là truyền thống, là cách ứng xử văn minh của người Việt Nam - một dân tộc vốn trọng đạo lý, tình cảm gia đình, hiếu đạo với đấng sinh thành nói riêng và lớp người cao tuổi nói chung.
Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, thế nhưng lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn? Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.
Cơ hội dân số chỉ tạo ra điều kiện, còn môi trường chính sách mới là yếu tố quyết định, cho phép tận dụng được cơ hội đó. Vì vậy, để tận dụng cơ hội “dân số vàng”, rất cần những giải pháp mang tầm vĩ mô của Nhà nước. Nhưng trước hết, người lao động cũng cần chủ động tạo ra giá trị tích lũy nhiều nhất có thể, cho mình và xã hội, bằng cách tích cực học tập và đào tạo.
Một điều quan trọng nữa là trong khi chờ đợi nhiều lao động được đào tạo tay nghề, Việt Nam cần quyết tâm thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh những ngành tạo ra cơ hội việc làm nhiều như dệt may, chế biến thực phẩm, dịch vụ… mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, thu hút người trong độ tuổi lao động làm việc, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xã hội tiêu cực do tình trạng thiếu việc làm gây ra, để “dân số vàng” thực sự là cơ hội cho đất nước phát triển cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Nguồn VOV.VN