Chiều 25/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Luật Hà Nội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Với bề dày truyền thống đào tạo cán bộ bảo vệ pháp luật, trường Đại học Luật cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, thu hút chuyên gia pháp lý để xây dựng trường Đại học Luật trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật đáp ứng tiến trình cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.
(Ảnh: vov.vn)
Đại học Luật Hà Nội tiền thân là Đại học Pháp lý được thành lập tháng 11/1979, trải qua 34 năm xây dựng và phát triển, trường Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo hơn 80.000 cán bộ pháp luật, 118 tiến sĩ, và hơn 1.100 thạc sĩ, hiện nay quy mô đào tạo khoảng gần 15.000 sinh viên và học viên, đào tạo ở tất cả trình độ, thạc sĩ, tiến sĩ luật ở tất cả các chuyên ngành, đồng thời hợp tác với hơn 20 cơ sở đào tạo luật của các nước như Anh, Pháp, Thụy Điển...
Đặc biệt, trường đã tham gia chủ trì 17 đề tài khoa học cấp nhà nước góp phần giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong giảng dạy, lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta. Những kết quả đó đã từng bước đưa trường Đại học Luật Hà nội trở thành cơ sở hàng đầu của đất nước về đào tạo cán bộ pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng để đáp ứng chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, đặt ra nhiều yêu cầu mới cần giải quyết nhất là phải tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô, phát triển hài hòa, cân đối và bền vững đội ngũ giảng viên về chất lượng và số lượng, phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp để gắn giảng dạy với thực tiễn, đổi mới giáo trình nhằm nâng cao chất đào tạo...
Đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của trường Đại học Luật trong những năm qua đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện thể chế, cải cách thể chế, cải cách pháp luật, Chủ tịch nước cho rằng, trong công cuộc hội nhập hiện nay, đặc biệt là đáp ứng chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bên cạnh mục tiêu phải xây dựng thành trường Đại học Luật Hà Nội thành trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật thì Trường cần phải phấn đấu phát triển xứng tầm với khu vực.
Để làm được điều đó, Chủ tịch nước đề nghị trường Đại học Luật cần phối hợp chặt chẽ với các ban ngành như Tòa án, kiểm sát, tư pháp, luật sư trước hết là thu hút các chuyên gia pháp luật vừa có lý luận vừa có thực tiễn vào giảng dạy. Bên cạnh đó là phải xây dựng cho được được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên tham gia hoạt động thực tiễn như xây dựng chính sách pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý... để phục vụ công tác giảng dạy, đồng thời xem xét phối hợp trong liên kết đào tạo giữa đầu ra, đầu vào giữa các ngành nhằm tạo nên đội ngũ cán bộ về pháp luật có chất lượng.
Giải đáp những kiến nghị về cơ chế tài chính, cơ sở vật chất, Chủ tịch nước khẳng định hết sức tạo điều kiện và đề nghị các bộ ngành, địa phương dành sự ưu tiên cần thiết và có thể thu hút các nguồn vốn nước ngoài để xây dựng cơ sở vật chất cho Trường tương xứng quy mô phát triển dài hạn trong tương lai, nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ về pháp luật đáp ứng tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập của đất nước./.
Nguồn VOV Online