NHÌN LẠI NĂM 2013:

Ninh Sơn: Tạo đà cây trồng chủ lực

So với các địa phương khác trong tỉnh, Ninh Sơn là huyện có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển các loại cây trồng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như: Mía, mì... Hiệu quả từ những loại cây trồng này đã góp phần không nhỏ trong việc đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển.

Huyện miền núi Ninh Sơn có địa hình đa số đồi dốc, do đó trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc trồng các loại cây như lúa, bắp, thuốc lá, bông vải, dưa hấu, hàng năm huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con tập trung phát triển mạnh 2 loại cây trồng mía, mì với tổng diện tích hàng ngàn ha. Chỉ tính riêng trong năm 2013, diện tích trồng mía, mỳ trên 5.000 ha. Trong đó, cây mía 2.528 ha, vượt 12,87% kế hoạch, tăng 12,87%; năng suất bình quân trên 53 tấn/ha, sản lượng đạt 137.665 tấn, tăng 21,56% so với cùng kỳ. Cây mì 2.479 ha, đạt 101,2% kế hoạch năm; năng suất bình quân đạt 18,7 tấn/ha, sản lượng đạt 45.889 tấn, nhờ đó đã góp phần đưa tổng sản lượng lương thực năm 2013 của huyện lên 62.890 tấn, đạt 109,6% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ.

 
Nông dân xã Quảng Sơn thu hoạch vụ mía năm 2013.

Đồng chí Nguyễn Long Biên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nếu so với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt diện tích 2.000 ha mía, 2.200 ha khoai mì theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, có thể thấy Ninh Sơn đang có sự bứt phá mới trong phát triển hai loại cây trồng chủ lực này. Trung bình mỗi năm, nông dân huyện Ninh Sơn cung cấp sản lượng mía, mì cho các Nhà máy chế biến tinh bột mì và Nhà máy đường Phan Rang đạt khoảng 70% số lượng nguyên liệu, nên được xem là điểm nhấn về sản xuất nông nghiệp của huyện.

Vùng trồng cây nguyên liệu mía và mì của Ninh Sơn tập trung chủ yếu ở hai xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và một số địa phương dọc Quốc lộ 27 như Mỹ Sơn, Lâm Sơn và thị trấn Tân Sơn. Theo đánh giá của nông dân, dù đầu ra các loại cây trồng mía, mì có thời điểm giá cả chưa thật sự ổn định, nhưng do đây là các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nên rất nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn, với quy mô hàng chục ha. Điển hình như anh Trương Đình Hùng (thôn Thạch Hà, xã Quảng Sơn) từ năm 2009 đến nay cứ mỗi vụ mía anh đầu tư sản xuất 13 ha, mỗi năm gia đình thu về gần 1 tỷ đồng. Hay như anh Nguyễn Thất (thôn Thạch Hà 2), trước đây khi mới lập gia đình, vợ chồng anh chẳng có gì hơn ngoài sức lực của tuổi trẻ. Năm 1996 anh mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng lò đường kết tinh kết hợp với trồng mía, mì và chăn nuôi thêm bò. Với mô hình này, riêng trong năm 2013 gia đình anh thu lãi vài trăm triệu đồng. Hiện tại anh có trên 30 ha đất đang trồng mía, mì và đàn bò trên 20 con, thường xuyên giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 20 đến 30 lao động địa phương.

 
Nông dân xã Hòa Sơn đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất cây mì với các giống mới cho năng suất cao.
Ảnh: Văn Miên

Những nỗ lực trong việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng nông nghiệp của huyện Ninh Sơn thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển vùng nguyên liệu mía và mì của bà con Ninh Sơn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, đa số diện tích trồng mía và mì của bà con không chủ động được nước tưới nên không thể gieo trồng rải vụ. Thứ hai, giống mía và mì mà bà con địa phương đang canh tác phần lớn là giống cũ đã thoái hóa và thứ ba là bà con còn chưa chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, diện tích sản xuất hàng năm dù có tăng, nhưng năng suất và sản lượng tăng không đáng kể.

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Long Biên cho biết thêm: Để khắc phục tình trạng trên, cuối tháng 11-2013, huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các địa phương tiến hành khảo sát hiện trạng các vùng sản xuất và điều tra năng suất, sản lượng thu hoạch để có giải pháp chỉ đạo sản xuất kịp thời. Theo đó, huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh đưa giống mì KM 228 vào trồng thử nghiệm cho năng suất đạt 30 tấn/ha. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đầu tư 15 tỷ đồng thi công tuyến đường từ thôn Thạch Hà (xã Quảng Sơn) đến khu vực trồng mía Suối May, tạo thuận lợi để xe lớn vào thu mua sản phẩm ngay tại đồng ruộng, nên bà con nông dân giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển mỗi khi vào vụ thu hoạch. Đối với cây mía, ngoài việc phối hợp Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang đưa các giống mía chịu hạn như: MY55-14, F156, ROC 23, ROC 25 vào canh tác, huyện còn triển khai để bà con các xã Quảng Sơn, Lương Sơn và thị trấn Tân Sơn đưa giống mía mới có năng suất cao như: K88-92, K85-9, DLM 24, K99-72, K88-65 vào trồng thí điểm trên diện tích hơn 20ha. Cùng với đó, huyện còn đầu tư xây dựng trên 50 km kênh mương cấp II, III từ hệ thống hồ thủy lợi Cho Mo đến xã Mỹ Sơn, nhằm mở rộng vùng tưới để phát triển diện tích trồng mía tại xã Mỹ Sơn lên thêm khoảng 500 ha trong thời gian tới, nhằm xây dựng và phát triển 2 loại cây nguyên liệu mía, mì trở thành cây trồng chủ lực của huyện.