Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Ngày 17/12, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và Hội nghị Tham tán thương mại 2013.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đồng chủ trì phiên họp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; NNPTNT, LĐTBXH... tham luận về triển khai nhiệm vụ và kế hoạch phát triển KTXH 2011-2015 trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Trưởng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng phát biểu ý kiến đánh giá các nhân tố, xu hướng mới trong bức tranh liên kết và hội nhập khu vực cũng như trên thế giới, từ đó xác định phát triển các liên kết mới phù hợp.
Các đại biểu cũng đề xuất biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, phải phục vụ tốt quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược, góp phần mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển với chất lượng cao; thúc đẩy xuất khẩu lao động, chuyển giao công nghệ...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại trong 3 năm qua (từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Đề cập tới nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tinh thần chung của công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại là quán triệt, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tăng cường hòa bình, hữu nghị, gắn lợi ích đất nước với lợi ích chung của khu vực và thế giới; góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ thời cơ để phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của đất nước...
Thủ tướng yêu cầu, trong hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, trước hết cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần thực hiện hiệu quả việc mở rộng thị trường truyền thống để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, hàng dệt may, da giày, đồng thời, tranh thủ các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế song phương đã có để đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập các thị trường mới.
"Mở rộng thị trường xuất khẩu là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tập trung mạnh vào tìm kiếm cơ hội thu hút FDI; đưa công nghệ mới vào sản xuất, gắn với tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... Tiếp tục vận động ODA cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cho giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu...
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ kết quả hội nhập quốc tế để phục vụ cho hội nhập kinh tế; xây dựng lòng tin; tăng cường tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau với các đối tác; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp phát triển KTXH, củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Thủ tướng lưu ý trong hội nhập quốc tế, cần tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa đến hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ... chú ý làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân.
Bên cạnh đó, trong công tác hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, cần hết sức chú ý việc kiện toàn tổ chức, rà soát biên chế bộ máy thực hiện , đảm bảo đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ được giao.
Nguồn www.chinhphu.vn