Cùng với đó, phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn tỉnh phát triển rất nhanh, chỉ tính trong năm 2013 đã đăng ký mới 340 ô-tô và 20.027 mô-tô, nâng tổng số hiện có toàn tỉnh lên 6.022 ô-tô, 264.729 mô-tô; trên 650 phương tiện xe công nông, xe cơ giới 3, 4 bánh tự chế không đăng ký và hàng chục ngàn phương tiện thô sơ khác cùng tham gia giao thông. Phương tiện thủy nội địa có trên 20 tàu, thuyền, chủ yếu phục vụ vận tải khách du lịch và hàng hóa ven biển…
Đội CSGT Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra,
kiểm soát bảo đảm ATGT trên các tuyến đường nội thành.
Với thực tế nêu trên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” đã được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Cụ thể là, sau khi có Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Chương trình hành động 146-CTr/TU, ngày
19-10-2012 về thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, đồng thời chỉ đạo các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị nói trên, triển khai các biện pháp phối hợp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông(TTATGT), đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể của Thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách... Đến nay, hầu hết các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và đa số các Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động 146-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có thể nói, thông qua việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai Chỉ thị và Chương trình hành động cua Tỉnh ủy, đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã có nhận thức sâu sắc hơn về công tác bảo đảm TTATGT. Do vậy, công tác lãnh đạo bảo đảm TTATGT đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để cho mọi người tham gia giao thông nhận thức rõ trách nhiệm chấp hành pháp luật về giao thông, thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở nhằm vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, tham gia giữ gìn TTATGT. Trong quá trình triển khai đã có nhiều mô hình, biện pháp thực hiện mới, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Theo kết quả tổng hợp cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như: phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh các trường phổ thông, trong đó có 125 buổi tuyên truyền chuyên sâu về pháp luật bảo đảm TTATGT tại các khu dân cư và trường học thu hút trên 100.000 lượt người tham dự, tổ chức cho hơn 21.540 hộ dân ký cam kết chấp hành tốt các quy định về TTATGT, đưa hàng chục đối tượng vi phạm TTATGT ra kiểm điểm trước dân; gửi 1.310 thông báo về cơ quan, nơi cư trú người vi phạm TTATGT. Đặc biệt, tổ chức trên 100 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT bằng tiếng Chăm, Raglai góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về TTATGT cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ngoài ra, UBMTTQ các cấp còn phối hợp cùng lực lượng Công an và các ngành, đoàn thể tổ chức gần 950 buổi họp dân để tuyên truyền, vận động, phổ biến về pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, thu hút 90.000 lượt người tham dự…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chỉ thị 18/CT-TW của Ban Bí thư đề ra là tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, mục tiêu trên, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ triển khai thực hiện bảo đảm giao thông mặt đường, công trình trên đường thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATGT, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ, các biển báo hiệu đường bộ, đường sắt, sơn vạch phân làn đường, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, nhất là trong các ngày lễ, tết. Kiến nghị Khu Quản lý đường bộ VII hoàn thành gia cố mở rộng mặt đường, lắp đặt dải phân cách; các đơn vị quản lý đường sắt cải tạo đường ngang (nơi giao nhau đường sắt với đường bộ) trên đường 21 Tháng 8 để giảm ùn tắc giao thông. Các đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên tuần đường, phát hiện, đình chỉ các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; thông báo đến Thanh tra GTVT và UBND địa phương xử lý đối với những trường hợp đã bị đình chỉ nhưng tiếp tục vi phạm.
Cùng với đó, lực lượng công an tỉnh và các địa phương còn tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là các vi phạm của người đi xe mô-tô, xe gắn máy, như: không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ cho phép…Theo đó, từ đầu năm đến nay, ngành đã huy động lực lượng tổ chức trên 6.750 ca, có 26.585 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, phát hiện lập biên bản: 33.528 trường hợp vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính: 32.017 trường hợp, cảnh cáo 621 trường hợp, tạm giữ 7.932 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.278 trường hợp; gửi 1.310 thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT về cơ quan, đơn vị, trường học, nơi cư trú, tổ chức kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ… Nhờ làm tốt các biện pháp nhằm đẩy lùi, tiến tới giảm dần các vụ vi phạm TTATGT, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và đạt những kết quả bước đầu. Qua đó, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình tai nạn giao thông, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị 18 của Ban Bí thư và Chương trình hành động 146 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học và sâu rộng trong nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về ATGT. Đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, thu hút nhiều người cùng tham dự, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức rõ hiểm họa tai nạn giao thông, làm cho mỗi người khi tham gia giao thông thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”, tạo dư luận xã hội lên án, phê phán các hành vi vi phạm TTATGT, biểu dương người tốt-việc tốt về chấp hành pháp luật giao thông… Hy vọng rằng bằng nổ lực và quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương và đồng thuận của nhân dân công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 18 của Ban Bí thư tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực trong năm 2014.
Hạ Huyền