Chị Nguyễn Thị Kim Tuyết, cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ xã Cà Ná cho biết, toàn xã có 9.657 nhân khẩu cư trú trên địa bàn 5 thôn. Với đặc thù nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản, các gia đình vùng ven biển thường đông con. Từ lâu tâm lý muốn sinh được nhiều con trai để gia đình có thêm lao động đi biển đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương.
Cô Xa Thị Dịu tư vấn thuốc tránh thai cho phụ nữ thôn Lạc Nghiệp 2.
Do trình độ dân trí hạn chế, người dân ít quan tâm tới dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS), thực hiện sinh đẻ kế hoạch để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước thực trạng đó, xã Cà Ná đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chính sách dân số nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Bên cạnh các hình thức như phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp tại nhà, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, xã phối hợp với Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Thuận Nam tổ chức 11 buổi nói chuyện chuyên đề về các gói dịch vụ CSSKSS, biện pháp tránh thai an toàn, phòng ngừa bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, kỹ năng chăm sóc bà mẹ, trẻ em; các vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, địa phương tăng cường hoạt động truyền thông trong các đợt thực hiện chiến dịch CSSKSS; tư vấn cho phụ nữ mang thai, vị thành niên, thanh niên sắp kết hôn; thành lập các CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3, CLB Vị thành niên, thanh niên. Xã Cà Ná hiện có 1.602 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó 63% số cặp sử dụng các biện pháp tránh thai. Theo báo cáo công tác dân số năm 2013, xã hoàn thành kế hoạch và vượt một số chỉ tiêu như vận động được 7 ca triệt sản (đạt 233%), 410 cặp vợ chồng sử dụng thuốc tránh thai (đạt 101%)… Qua 2 đợt chiến dịch CSSKSS, có 281 lượt phụ nữ được khám phụ khoa và điều trị 167 ca. Đến nay tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể, kiểm soát được tình trạng gia tăng dân số.
Có được kết quả trên, phải kể đến vai trò của đội ngũ cộng tác viên (CTV) hoạt động tình nguyện trong cộng đồng dân cư. Xã Cà Ná có 18 CTV dân số, hầu hết đều kiêm nhiệm từ cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên cho đến trưởng thôn. Cách truyền thông “mưa dầm thấm lâu” của các CTV giúp người dân hiểu rằng đông con, thất học chính là nguồn gốc của đói nghèo. Từ việc thay đổi nếp nghĩ, chị em ngày càng nâng cao ý thức hiểu biết chăm sóc sức khoẻ, chủ động dùng biện pháp tránh thai, sinh đẻ kế hoạch để có điều kiện nuôi dạy con cái, chăm lo phát triển kinh tế. Không chỉ thực hiện tốt chương trình dân số, nhiều chị trở thành tuyên truyền viên tích cực, giúp đỡ chị em khác cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Những chuyển biến tích cực trong công tác dân số giúp người dân vùng biển Cà Ná có cơ hội tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ CSSKSS, nâng cao chất lượng dân số.
Trang Nhung