Theo báo cáo ngày 11-12, các cam kết chính trị đối với cuộc chiến này, cùng với quỹ tài trợ từ cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng, đã giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét tới 29% trên toàn cầu và 31% chỉ tính riêng châu Phi trong giai đoạn 2000 - 2012. Tỷ lệ tử vong do căn bệnh này cũng giảm tới 45% trên toàn cầu và 49% tại châu Phi trong khoảng thời gian tương tự. Đặc biệt, tỷ lệ này giảm tới 54% đối với trẻ em châu Phi. Tuy nhiên, báo cáo cho biết năm 2012 vẫn còn tới 207 triệu ca mắc bệnh sốt rét, 627.000 người trong số đó đã tử vong và nạn nhân chủ yếu là trẻ em châu Phi. Ngoài ra, WHO ước tính có khoảng 3,4 tỷ người vẫn đang bị căn bệnh này đe dọa, trong đó, 1,2 tỷ người sống tại những khu vực nguy cơ mắc bệnh cao, với tỷ lệ mắc là 1/1000. Theo tài liệu này, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria và Ấn Độ là những quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất.
Báo cáo của WHO khẳng định cuộc chiến chống sốt rét đang rơi vào thời kỳ thoái trào do lượng tiền viện trợ không tương xứng sau đợt phát triển mạnh mẽ những năm 2005 - 2010. Theo ước tính của WHO, cần khoảng 5,1 tỷ USD mỗi năm để tiến hành cuộc chiến trên toàn cầu, tuy nhiên, mức ngân sách cả quốc tế và nội địa năm 2012 cho chương trình này mới chỉ đạt 2,5 tỷ USD. Ngoài ra, tình trạng kháng thuốc điều trị sốt rét artemisinin, loại thuốc hiệu quả nhất hiện nay, đang ngày càng lan rộng ở nhiều quốc gia Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Bên cạnh đó, dấu hiệu kháng thuốc diệt côn trùng ở một số loài ký sinh trung gian truyền bệnh sốt rét được phát hiện tại khoảng 64 quốc gia. Trước đó, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO Shin Young-Soo (Sin Giăng Su) từng cảnh báo hiện tượng kháng thuốc lan nhanh không chỉ phá hủy những thành quả trong công tác phòng chống bệnh sốt rét của các quốc gia mà còn có nguy cơ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người trên toàn cầu.
Theo số liệu của WHO, bệnh sốt rét, vốn lây truyền chủ yếu qua đường muỗi đốt, mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 660.000 người trên toàn thế giới. Sốt rét hiện vẫn là một vấn đề ở Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, Quần đảo Solomon, Hàn Quốc và Vanuatu.
Theo TTXVN