Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2011 - 2013).

Theo báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày, từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2011 - 2013), toàn ngành Thanh tra đã có nhiều cố gắng và tạo được sự chuyển biến về trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó công tác thanh tra đã đi vào trọng tâm, trọng điểm; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có tiến bộ rõ rệt, nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã được giải quyết; công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến, từng bước tạo được niềm tin cho nhân dân.

Cụ thể, đã triển khai 23.034 cuộc thanh tra hành chính; 367.176 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm hơn 82.136 tỷ đồng, 293.708 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 40.036 tỷ đồng; 14.752 ha đất; xử phạt hơn 21.420 tỷ đồng; xử phạt khác hơn 40.983 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 2.946 tập thể, 5.443 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 192 vụ, 259 người. Riêng Thanh tra Chính phủ ban hành 63 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm hơn 56.718 tỷ đồng; 9.843 ha đất; kiến nghị thu hồi 20.858 tỷ đồng; xử lý 35.959 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 33 vụ.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Ngành Thanh tra đã giúp các cơ quan hành chính tiếp 992.659 lượt công dân với 562.165 vụ việc (11.144 lượt đoàn đông người); tiếp nhận 330.573 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 143.452/173.845 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 82,51%. Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân hơn 815 tỷ đồng, 556 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.029 người; chuyển cơ quan điều tra 73 vụ, 79 người.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch 1130 và phối hợp các bộ, ngành, kiểm tra, rà soát 528 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đã giải quyết 466 vụ, đạt tỷ lệ 88,26%.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành đã phát hiện 319 vụ, 517 người có dấu hiệu tham nhũng với hơn 489 tỷ đồng; 9,4 ha đất; kiến nghị thu hồi 485,5 tỷ đồng; 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 17 tập thể, 218 cá nhân, xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ, 235 người.

Tuy nhiên, chuyển biến trong công tác thanh tra chưa đều, chưa chú trọng thanh tra công vụ, việc báo cáo kết luận thanh tra còn chậm, hiệu quả xử lý sau thanh tra chưa cao. Tình hình khiếu nại tố cáo còn diễn biến và tiềm ẩn phức tạp, khiếu kiện vượt cấp chưa giảm; kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng chưa cao; tổ chức, bộ máy thanh tra chưa được thống nhất, tập trung…

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề xuất Chủ tịch nước có ý kiến chủ trương xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thanh tra” và sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng: nâng cao tính hệ thống của ngành thanh tra; vị thế chính trị của người đứng đầu cơ quan thanh tra; đổi mới tổ chức và hoạt động của Thanh tra Chính phủ, của ngành thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành; tăng thẩm quyền cho cơ quan thanh tra.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành cơ bản đồng tình với báo cáo, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đồng thời cho rằng cần thiết phải nâng cao vị thế, thẩm quyền của ngành Thanh tra.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả ngành Thanh tra đã đạt được trong đầu nhiệm kỳ (2011 - 2013), góp phần tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, làm yên lòng dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng vẫn có những mục tiêu chưa đạt, chuyển biến chậm. Theo Chủ tịch nước, qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, điều đó nói lên khâu quản lý nhà nước có vấn đề. Khiếu nại, tố cáo nhiều, phức tạp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính sách chưa phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước làm sai. Vì vậy, ngành Thanh tra cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, kịp thời đưa ra các kiến nghị sửa đổi chính sách để hợp lòng dân. “Nếu tỷ lệ khiếu nại, tố cáo sai cao do người dân chưa hiểu chính sách pháp luật thì phải tăng cường tuyên truyền, nhưng vấn đề đầu tiên là phải sửa cái sai từ các cơ quan nhà nước” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đồng tình với kiến nghị về chiến lược phát triển ngành, Chủ tịch nước nhấn mạnh, để đẩy lùi tiêu cực trong bối cảnh hiện nay, lực lượng phòng, chống cần được trao thêm quyền, trang bị đầy đủ công cụ, nâng cao nghiệp vụ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Ngành thanh tra cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của thanh tra để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng một cách hiệu quả. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành, chủ động tháo gỡ khó khăn, từng bước nâng cao vị thế và hiệu quả công tác, đáp ứng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch nước tin tưởng ngành Thanh tra sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam