Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, bình quân hàng năm, nhu cầu tìm việc làm của học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu tìm việc của người lao động. Nguồn lao động cho những nhóm ngành như: Kế toán, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh,… ở Đồng Nai đang rất dồi dào. Về cầu, mỗi năm một doanh nghiệp tại Đồng Nai chỉ cần tuyển 1 kỹ sư thì và cả năm sẽ có hơn 17.000 người tốt nghiệp đại học tìm được việc làm.
Cũng theo Sở, từ nay đến năm 2020, mỗi năm các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cần tuyển khoảng 55.000 lao động – 18% đến 20% trong số này là lao động tốt nghiệp từ trung cấp trở lên. Về lý thuyết, lao động có trình độ có nhiều cơ hội tìm được việc làm, tuy nhiên do lao động nhập cư đông, doanh nghiệp thiếu cởi mở trong tuyển dụng nên nhiều sinh viên ra trường vẫn khó tìm việc.
\
Lao động tại công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Safoco (TP. Hồ Chí Minh),
thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN
Tốt nghiệp trường Đại học Lao động Xã hội với chuyên ngành Quản trị nhân lực đã gần 4 tháng, Lê Thị Thơm (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn chưa tìm được công việc theo chuyên ngành mình đã học. Thơm chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp với bằng loại khá, đi xin việc làm ở nhiều nơi nhưng doanh nghiệp nào cũng đòi 2 đến 3 năm kinh nghiệm. Sinh viên mới tốt nghiệp làm sao đáp ứng được yêu cầu này. Tôi mong doanh nghiệp cho mình cơ hội được thử sức. Tôi tin chỉ sau 1 tháng là tôi sẽ áp dụng được những kiến thức mình đã học vào thực tế”.
Lường trước doanh nghiệp sẽ đòi hỏi kinh nghiệm khi tuyển dụng, thời gian qua, nhiều sinh viên đã chọn hình thức vừa học vừa làm. Nguyễn Quốc Cường (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tâm sự: "Tôi tốt nghiệp đại học khoa cơ khí chế tạo máy năm 2012, những năm sinh viên tôi cũng đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm (đa số sinh viên chỉ có thể làm thêm những việc trái nghề). Một năm qua, tôi nộp hồ sơ ở 6 doanh nghiệp, tất cả đều đòi hỏi phải có từ 1 – 3 năm kinh nghiệm thực tế. Sinh viên mới tốt nghiệp, không được làm việc đúng chuyên ngành thì đúc rút kinh nghiệm bằng cách nào? Do không được làm đúng chuyên ngành nên kiến thức cứ mai một dần theo thời gian".
Theo lãnh đạo nhiều công ty, trong những năm gần đây, ngoài lao động phổ thông, còn lại các vị trí từ nhân viên đến cán bộ quản lý, các doanh nghiệp đều đưa ra những yêu cầu khá chặt chẽ để người lao động sau tuyển dụng làm việc được ngay. Điển hình như Công ty Cổ phần Thực phẩm quốc tế (Khu công nghiệp Tam Phước – thành phố Biên Hòa), hiện doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển khoảng 20 lao động tại 10 vị trí công việc, ngoại trừ lao động phổ thông, còn lại các công việc như nhân viên thủ kho, nhân viên vận hành máy, trợ lý bộ phận, quản lý xưởng, công ty đều yêu cầu có kinh nghiệm.
Đại diện doanh nghiệp khẳng định: Tuyển lao động có trình độ, ngoài yêu cầu về bằng cấp, công ty còn đòi hỏi kinh nghiệm ít nhất một năm. Nhiều người nộp hồ sơ nhưng hầu hết là sinh viên mới tốt nghiệp nên công ty không tiếp nhận. Do khó tuyển nên doanh nghiệp đang có giải pháp nhận sinh viên mới tốt nghiệp với điều kiện là họ giỏi ngoại ngữ.
Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ cho biết: Trong các sàn giao dịch việc làm, sinh viên mới ra trường đến tìm việc luôn chiếm số lượng áp đảo, doanh nghiệp cũng tuyển nhiều lao động có trình độ cao. Song cung và cầu hiện vẫn “vênh” nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân lao động không đáp ứng được tiêu chí kinh nghiệm.
“Lao động có trình độ đại học thường ít nhảy việc, bởi cùng quá trình làm việc nhiều năm, họ được chủ doanh nghiệp đãi ngộ xứng đáng. Theo tôi những sinh viên mới ra trường sẽ có vốn kiến thức phong phú và nhiệt huyết, sức trẻ, khát khao cống hiến. Vấn đề là doanh nghiệp cần cởi mở trong tuyển dụng để tạo cơ hội cho những người trẻ thử sức”, ông Long bày tỏ.
Theo thầy Lâm Thành Hiển, Phó hiệu Trưởng Trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), trước đây giáo dục đại học ở nước ta nặng lý thuyết nhưng những năm gần đây điều này đã thay đổi, nhiều trường đã đầu tư máy móc, tăng thời lượng thực hành cho sinh viên. Thực tế này chưa được xã hội thừa nhận rộng rãi, đây là nguyên nhân chính khiến sinh viên tốt nghiệp đại học khó tìm việc làm. Để thay đổi thực trạng này, cần sự bắt tay giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Thầy Hiển đánh giá: “Nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý trọng dụng lao động trình độ thấp nhưng có kinh nghiệm. Điều này đã làm giảm khả năng tiếp cận việc làm những người được đào tạo bài bản. Giải bài toán việc làm của lao động đại học ngoài việc các trường dạy sinh viên những điều xã hội cần, doanh nghiệp cũng nên cởi mở trong tuyển dụng, bởi những người trẻ có nhiều khả năng và cần môi trường để phát huy”.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN