Tuy nhiên, bất chấp những quy định của pháp luật và khuyến cáo của nhà sản xuất, nhiều “quái xế” chọn cách này để thể hiện “đẳng cấp”, gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người khi tham gia giao thông.
Có khoảng 90% các xe máy, xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT đã qua độ, chế.
19 tuổi, bạn P.M.V (Ninh Phước) khá rành rẽ chuyện độ, chế xe cho biết: “Việc độ, chế xe khá tốn kém và hơi mạo hiểm nhưng làm cho chiếc xe tốc độ hơn, khác lạ hơn, mạnh mẽ hơn.” Thông thường, người “chơi” xe lựa chọn phương án mua một chiếc xe máy cũ giá khoảng 5-10 triệu đồng rồi đầu tư thêm chi phí làm lại máy, nâng phân khối xe và trang bị thêm một số “đồ chơi” như còi hơi, bô,… Một chủ tiệm sửa xe ở phường Bảo An (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm), cho biết: Đa số khách hàng có nhu cầu độ, chế xe thuộc đối tượng thanh- thiếu niên, học sinh. Giá cả tùy vào mức độ “nâng cấp”, nếu làm lại nguyên dàn lốc máy thì giá từ 1,5 – 3,5 triệu đồng, tùy yêu cầu và điều kiện của chủ phương tiện. Một số học sinh muốn “làm mới” xe đạp điện thường yêu cầu gắn phuộc nhúng xe máy, bửng xe máy, trang bị còi và đèn... giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Việc độ, chế xe sẽ làm phương tiện mau hư hỏng hơn, nên buộc phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên, khá tốn kém.
Ngoài mục đích “chơi nổi”, một số đối tượng độ, chế những chiếc xe đã cũ để làm phương tiện thực hiện các hành vi trái pháp luật như vận chuyển lâm sản trái phép hoặc làm phương tiện gây án. Những xe dùng vào mục đích này thường chỉ được “đầu tư” nâng cấp động cơ để tăng “sức mạnh” chứ hình dáng bên ngoài gần như bị gỡ bỏ hoàn toàn, thậm chí bỏ cả biển số. Giá trị những chiếc xe như thế không cao nên khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng thường vứt bỏ xe để thoát thân.
Các xe độ, chế không chỉ gây mất an toàn khi lưu thông mà người điền khiển còn thường lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Có đến 90% xe máy, xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT bị cơ quan Công an bắt giữ đều có độ, chế ở những mức độ khác nhau. Một cán bộ cảnh sát giao thông cho biết, các lỗi vi phạm thay đổi kết cấu máy, kiểu dáng xe thường bị phạt với số tiền khá lớn, cộng với các khoản phạt do phóng nhanh, nẹc bô, gắn còi hơi,… nên số tiền nộp phạt thường cao hơn giá trị xe, nên chủ phương tiện ít khi đến cơ quan chức năng giải quyết nộp phạt để nhận xe về.
Theo báo cáo của Công an các địa phương, để xử lý hành vi độ, chế xe, ngoài công tác tuần tra thường xuyên, các đơn vị cũng tổ chức cho những cơ sở sửa chữa xe máy ký cam kết không độ, chế phương tiện. Tuy nhiên, việc giám sát các cơ sở thực hiện cam kết vẫn chưa chặt chẽ, trong khi các đối tượng thanh -thiếu niên thì ngày càng có lắm chiêu trò để trốn tránh ngành chức năng. Để giải quyết vấn đề này, các trường học và chính quyền cơ sở cần vào cuộc, phối hợp với lực lượng Công an rà soát các đối tượng, phát hiện và xử lý những phương tiện độ, chế để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bảo Bình