Sự kiện này đã thu hút mối quan tâm của các doanh nhân Thái Lan cũng như bà con Việt kiều muốn đầu tư về quê hương. Ba tỉnh đại diện cho khu vực miền Trung Việt Nam là Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Nam đã tham gia diễ n đàn để giới thiệu về tiềm năng và thế mạnh của mình. Đây là diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan với sự tham gia của các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng cho biết quan hệ Việt Nam và Thái Lan đang phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, thương mại và đầu tư. Mối quan hệ này đã trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó hai nước đã ra tuyên bố thiết lập đối tác chiến lược.
Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đã nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, biến mối quan hệ Việt Nam-Thái Lan trở thành một trong những trụ cột quan trọng hỗ trợ tích cực cho việc hình thành cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.
Năm 2012, đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong trao đổi thương mại của hai bên, với kim ngạch hai chiều đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2011. Trong 10 tháng đầu năm 2013, kim ngạch đã đạt mức 7,8 tỷ USD tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực đầu tư cũng là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai nước. Thái Lan hiện đã trở thành một trong những nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với 324 dự án và tổng số vốn đăng ký tới gần 6,5 tỷ USD, đứng thứ 9 trong 10 nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Theo phó TTK Ủy ban đầu tư Thái Lan Chokdee Kaewsang, Thái Lan hiện đứng thứ ba trong ASEAN về số lượng các nhà đầu tư ra nước ngoài. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Thái Lan muốn mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là ở các nước ASEAN. Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan đã giúp thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên.
ASEAN không chỉ là một điểm đầu tư có hiệu quả hiện nay, mà còn tiếp tục phát triển để trở thành một điểm hấp dẫn hơn nữa. Với sự mở cửa của Myanmar, các nhà đầu tư sẽ có thể sản xuất, cung ứng và vận chuyển trên tuyến đường kết nối miền Trung Việt Nam, qua Campuchia, Lào và Thái Lan tới tận các cảng của Myanmar và xa hơn.
Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn, với sự ổn định về chính trị, xã hội và lực lượng lao động dồi dào. Việt Nam cũng đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực cũng như thế giới sau khi trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tham gia vào nhiều khuôn khổ hợp tác. Việt Nam hiện không còn xa lạ với doanh nhân Thái Lan, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên luôn tăng đều hàng năm. Có thể nói rằng doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước giờ đây có một môi trường kinh doanh và đầu tư vô cùng thuận lợi.
Hai nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác song phương về thương mại đầu tư và cũng là thành viên của các khuôn khổ hợp tác đa phương, những mối quan hệ này đang góp phần mang lại sự thịnh vượng và phát triển cho doanh nghiệp hai nước. Hai bên đang phấn đấu đạt giá trị thương mại song phương 15 tỷ USD vào năm 2020. Thời gian qua các địa phương, doanh nghiệp khu vực miền Trung cũng như các nhà đầu tư Thái Lan đã tự tìm đến với nhau để mong có cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư mang lại lợi ích cho hai bên. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn chưa xứng với tiềm năng và diễn đàn lần này chính là nhằm góp phần để hai bên có thể hợp tác hiệu quả hơn, phù hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư trong chương trình hành động đối tác chiến lược.
Theo TTXVN