Chiều 29/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã họp phiên bế mạc. Trong buổi làm việc này, Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; Nghị quyết về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Tại phiên làm việc, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Với tỷ lệ 93,98% đại biểu Quốc hội thán thành, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết này.
Quốc hội cũng đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.
Với tỷ lệ 94,78% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này.
Theo nội dung Nghị quyết, nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt công tác này trong năm 2014 và các năm tiếp theo, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục rà soát tất cả các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 để xây dựng, ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của luật, pháp lệnh, nghị quyết; hạn chế thấp nhất việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban pháp luật của Quốc hội chịu trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; chủ trì phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội giám sát, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết...
Tiếp đó, Quốc hội cũng đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.
Với 95,58% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này.
Theo nội dung Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu gồm: bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT; đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB.
Trước năm 2018, Chính phủ phải hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội, thực hiện các biện pháp để bảo đảm thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá phù hợp, khắc phục tình trạng chênh lệch bất hợp lý về giá thuốc giữa các địa phương, triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình tham gia KCB BHYT, cải tiến quy định về chuyển tuyến phù hợp với tình trạng bệnh tật...
Trước khi phiên bế mạc diễn ra, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Với 93,98% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết này.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Sau hơn một tháng làm việc tích cực, tâm huyết, đoàn kết và đầy trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội; với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm theo dõi, giám sát và ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.
“Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là nền tảng chính trị - pháp lý của đất nước. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Hiến pháp, vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Quốc hội, từng vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình với tinh thần khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp, các ngành và như vậy, cả hệ thống chính trị đã đồng thuận cùng toàn dân tham gia hoàn thiện bản Hiến pháp này” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) lần này đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, đồng thời thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, yêu cầu mọi tổ chức Đảng và từng đảng viên phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và luôn hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Cùng với việc thông qua Hiến pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 Luật và cho ý kiến về 10 dự án Luật khác. Việc ban hành các đạo luật, nhất là Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: Sau kỳ họp này, Chính phủ, các ngành, các cấp cần khẩn trương tổ chức triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để pháp luật sớm đi vào cuộc sống.
“Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao trước nhân dân và với những đóng góp tích cực, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng đồng bào và cử tri cả nước” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam