Để bảo vệ hồ chứa Bà Râu, Trạm Thủy nông huyện Thuận Bắc tiến hành xả lũ tại 2 cửa đập. Theo đó, mực nước tại các suối Bà Râu (xã Lợi Hải), kênh N6 (xã Bắc Phong) dâng cao gây ngập úng 25ha lúa tại thôn Ba Tháp (xã Bắc Phong), trong đó 5ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Trước khi xả lũ, UBND huyện Thuận Bắc tổ chức di dời 32 hộ dân thuộc các vùng thấp, trũng của 2 xã Lợi Hải (22 hộ), xã Bắc Phong (10 hộ) đến nơi cư trú an toàn.
Nông dân xã Bắc Phong tập trung chăm sóc lúa sau đợt mưa lũ. Ảnh: Phạm Lâm
Tại xã Công Hải, mưa lớn làm 20ha lúa (1 tháng tuổi) bị ngập úng, tuyến đường Hiệp Kiết – Bình Tiên bị sạt lở tại dốc Bình Tiên và khu vực gần cầu suối Nước Ngọt; nhiều khu vực suối, bờ kè bị sạt lở. Đặc biệt, trưa ngày 22-11, do sét đánh nên một nhà dân thôn Động Thông bị hư hỏng một số đồ điện. Tại thôn Bình Tiên, anh Vũ Văn Cường trên đường đi làm bị nước cuốn chết trôi.
Sau khi mưa lũ qua, UBND huyện Thuận Bắc đã tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình anh Vũ Văn Cường 2 triệu đồng để lo mai táng. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã tập trung lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, thanh niên khắc phục, sửa chữa nhà bị sét đánh, ổn định cuộc sống cho người dân; tiến hành san lấp những đoạn đường giao thông bị xói lở để nhân dân tiện đi lại. Các cấp chính quyền vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, nhanh chóng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức khảo sát, kiểm tra các công trình hạ tầng, tài sản nhân dân bị hư hỏng để huyện có kế hoạch sửa chữa, khắc phục. Đối với cơ sở hạ tầng bị hư hại do huyện quản lý, đang đề nghị sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để khắc phục. Đối với các công trình đang thi công trên tuyến đường Hiệp Kiết - Bình Tiên, UBND huyện cũng đã có văn bản kiến nghị tỉnh chỉ đạo đơn vị thi công khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
► Tại huyện Ninh Hải có mưa lớn, nước từ các sông, suối dâng cao tràn về làm cho một số tuyến đường bị sạt lở, diện tích cây trồng trên địa bàn bị ngập, gây thiệt hại cho nông dân.
Chị Phạm Thị Tâm, thôn Mỹ Hòa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chăm sóc vườn hành sau mưa lũ. Ảnh: Anh Tùng
Ngày 25-11, chúng tôi về xã Vĩnh Hải nơi cơn lũ vừa đi qua. Trên tuyến đường ven biển đoạn qua các thôn Mỹ Hòa, Thái An những khu vực sạt lở gây ách tắc giao thông mấy ngày trước đã được khắc phục. Tuy nhiên, các loại cây trồng bị ngập nước, lũ cuốn chưa thể hồi phục. Đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải, cho biết: Trên địa bàn có 2,25 ha nho bị ảnh hưởng, trong đó có 2 ha bị sập giàn thiệt hại 70%, 0,25 ha ngập úng thiệt hại 100%; 4 ha tỏi của 50 hộ dân vừa xuống giống bị mất trắng. Ngoài ra 15m mương cấp I ở khu vực Tà Quan bị sập hoàn toàn.
Thôn Thái An có số diện tích nho bị thiệt hại nặng nề nhất. Hiện bà con nông dân đang tập trung chống đỡ lại giàn, cắt tỉa cành. Bà Phạm Thị Lùn, một trong những hộ bị thiệt hại sau mưa lũ cho biết: Toàn bộ 1,8 sào nho của gia đình bị sập hoàn toàn, gần như mất trắng. Số tiền 40 triệu đồng đầu tư trồng nho đều đi vay, gia đình hiện không có điều kiện để trồng lại. Mong muốn của gia đình được ngân hàng hỗ trợ vay vốn để có điều kiện đầu lại cho cây nho.
Các hộ trồng hành, tỏi ở thôn Mỹ Hòa cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa, lũ. Anh Lê Vũ Bảo cho biết: Nhà tôi trồng 1 sào hành bị ngập úng, nước lũ cuốn trôi khoảng 50% diện tích phải nhổ trồng mới, thiệt hại trên 15 triệu đồng. Nhiều hộ trồng hành khác trong thôn đang phải nhổ bỏ cây hành mới trồng, mua giống trồng lại, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế gia đình.
Mưa lũ cũng đã làm ngập 3,5 ha hành của nông dân xã Thanh Hải. Xã đang chỉ đạo bà con nhanh chóng khắc phục, dặm lại những nơi hành bị nước cuốn trôi. Còn các hộ bị mất trắng như hộ Lâm Thị Hoa Mai, Nguyễn Văn Tự … ở thôn Mỹ Tân 2 thì phải cải tạo đất, mua giống trồng lại. Khó khăn đối với các hộ bị thiệt hại sau mưa lũ là giá hành giống tăng lên 55.000 đồng/kg, chi phí mua giống trồng 1 sào hành hết 15 triệu đồng, số tiền khá lớn với nông dân, nhưng bà con cũng phải xoay xở để nhanh chóng sản xuất trở lại cho kịp vụ hành Tết.
Không thiệt hại nhiều bằng các hộ trồng nho, hành, tỏi, nhưng một số nông dân sản xuất lúa vụ mùa ở các xã Tân Hải, Phương Hải cũng bị thiệt hại. Theo báo cáo, tổng diện tích lúa bị ngập ở hai xã là 57 ha. Hiện nay, nước đã rút nhưng do ngập khi lúa đang ở thời điểm trổ bông, ngậm sữa nên bị lép hạt.
Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã tiếp tục thống kê mức độ thiệt hại để đề nghị cấp trên hỗ trợ nông dân sớm ổn định sản xuất. Trước mắt, tập trung vận động bà con ra đồng chăm sóc số cây trồng bị thiệt hại, những nơi mất trắng sớm tổ chức trồng mới.
Theo báo cáo của UBND xã Ma Nới (Ninh Sơn), mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại cho khoảng 60% diện tích sản xuất (lúa, bắp, đậu,…) và nhiều công trình hạ tầng nông thôn bị hư hỏng nặng: Đường giao thông từ suối Ấm lên thôn Tà Nôi, hệ thống nước tự chảy thôn Ú – Tà Lâm, đường từ tràn suối Ma Nhông lên thôn Gia Hoa, bờ tràn từ thôn Ú đi thôn Hà Dài. Hiện chính quyền và nhân dân đang thực hiện những giải pháp khắc phục tạm thời, đảm bảo an toàn cho người dân khi qua lại các mương, suối. Riêng bờ tràn từ thôn Ú đi thôn Hà Dài bị nước cuốn hiện vẫn chưa thể khắc phục vì nước suối còn lớn,… Địa phương đã cảnh báo người dân, đặc biệt là học sinh khi qua suối phải được thầy, cô giáo hoặc phụ huynh dẫn qua, tránh những vị trí nước sâu và chảy xiết.
Nhóm PV