Với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo Y tế học đường, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai công tác y tế trong nhà trường. Hằng năm, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế ở các trường học.
Kiểm tra bệnh khúc xạ cho học sinh.
Bác sĩ Trần Lê Thùy Uyên, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, y tế học đường là một dự án thành phần với mục đích nâng cao năng lực thực hiện công tác y tế trường học, tăng cường kiến thức phòng chống bệnh tật học đường, góp phần giảm tỷ lệ mắc, kiểm soát các bệnh phổ biến trong học sinh hiện nay như cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh về răng-miệng, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện thể chất và tinh thần, có sức khỏe tốt để học tập. Nội dung của dự án là tăng cường tập huấn chuyên môn, kỹ thuật giám sát yếu tố vệ sinh trường học; khám, phân loại và quản lý sức khỏe học sinh; truyền thông nâng cao sức khỏe; phòng, chống bệnh tật học đường.
Hằng năm, dự án chọn mỗi cấp học một trường xây dựng mô hình điểm về truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường nhằm hỗ trợ nhà trường nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tham gia mô hình, các trường được cung cấp trang-thiết bị và thuốc cho phòng Y tế của trường; hỗ trợ các chương trình khám sức khỏe, khám và điều trị nha học đường; kiểm tra yếu tố vệ sinh trong trường học. Tập huấn công tác sơ cấp cứu và kiểm soát các bệnh do côn trùng, ký sinh trùng và bệnh truyền nhiễm. Tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa trang bị kiến thức, kỹ năng phòng các bệnh về mắt, tay-miệng, cong vẹo cột sống, làm thay đổi hành vi của học sinh trong tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, cán bộ y tế học đường Trường THCS Lê Văn Tám (Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Năm 2013, trường được chọn xây dựng mô hình điểm về Truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường. Nhờ đó, công tác quản lý sức khỏe học sinh trong trường được thực hiện tốt thông qua việc theo dõi kết quả khám sức khỏe định kỳ của học sinh. Bên cạnh các mô hình điểm, các chương trình y tế nha học đường, mắt học đường, phòng chống tai nạn thương tích và các hoạt động sơ cấp cứu học đường cũng được triển khai có hiệu quả dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tìm hiểu kiến thức phòng chống các bệnh thường gặp trong học đường… Qua đó, giúp học sinh có nhận thức đầy đủ trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân để học tập tốt hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế, công tác y tế học đường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải thiện môi trường học tập an toàn và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho học sinh. Mặc dù 100% trường học trong tỉnh đã có cán bộ y tế nhưng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Một số cán bộ y tế trường học còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ và chưa làm tốt việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác này. Cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường tại một số trường chưa đồng bộ. Chất lượng khám, chữa bệnh không cao do không đủ các chuyên khoa. Ngoài ra, kinh phí triển khai các hoạt động chuyên môn chủ yếu từ nguồn kinh phí mục tiêu quốc gia, nên việc bố trí kinh phí cho công tác y tế học đường gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, công tác y tế học đường rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của ngành Y tế thường xuyên tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế trường học; tăng cường năng lực khám bệnh cho các trạm y tế; tổ chức khám bệnh định kỳ cho học sinh… Ngành Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các đơn vị trường học huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa y tế trường học nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong nhà trường.
Diễm My