Qua đó cũng thúc đẩy sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, chính quyền địa phương và cộng đồng nói chung đến các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Chất lượng giáo dục được nâng cao, công tác duy trì sỹ số đảm bảo… đó là những thay đổi rõ nét nhất ở những trường đã làm tốt công tác XHHGD.
Nhờ làm tốt công tác XHHGD, cô và trò Trường TH Phước Thành A, huyện Bác Ái
có điều kiện dạy và học tốt hơn.
Trường TH Tuấn Tú được thành lập vào năm 2006, đóng trên địa bàn xã An Hải (Ninh Phước), một xã bãi ngang ven biển, với 85% học sinh là dân tộc Chăm. Ngày mới thành lập, trường chỉ có một dãy phòng học nằm giữa đồi cát, không cây xanh bóng mát, không sân chơi, chỗ để xe… ngay cả con đường dẫn vào trường cũng bị cát che phủ, đi lại khó khăn. Không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách, nhà trường đã đẩy mạnh công tác XHHGD, kêu gọi, vận động được gần 100 triệu đồng từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn giúp đỡ để sửa chữa phòng học, làm nhà để xe, xây dựng tường rào, bê tông hoá sân trường. Cán bộ, giáo viên cũng đóng góp từ những chậu hoa, cây cảnh để làm đẹp thêm sân trường; những ngày công miệt mài làm thợ hồ để tiết kiệm chi phí thuê nhân công hay tự thiết kế, mua sắm các dụng cụ, đồ dùng dạy học phục vụ học sinh. Thấy được sự tận tâm của nhà trường và cộng đồng xã hội, cha mẹ học sinh từ chỗ chỉ biết “khoán trắng” việc học của con em mình cho thầy, cô giáo nay đã đồng lòng giúp sửa chữa phòng học, làm sân trường, trồng cây xanh…
Cũng nhờ đẩy mạnh công tác XHHGD, Trường TH Phước Thành A, huyện Bác Ái đã cải thiện về cơ sở vật chất, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy giáo Nguyễn Thế Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đóng trên địa bàn tài trợ để tặng quà, trao học bổng cổ vũ tinh thần học tập cho học sinh. Nhờ sự hỗ trợ về ngày công, nguyên vật liệu từ người dân trong xã, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cùng cán bộ, giáo viên của trường sửa chữa phòng học, xây dựng thư viện ngoài trời, làm sân chơi, trồng cây xanh… tạo môi trường học tập thân thiện.
Hiệu quả của công tác XHHGD là rất rõ ràng nhưng hiện nay nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Một số nơi còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cũng như thực hiện các hoạt động giáo dục. Một số địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân thấp, không có hoặc ít các doanh nghiệp đóng trên địa bàn… vì vậy công tác vận động nguồn hỗ trợ cũng gặp nhiều khó khăn.
Khi nói về kinh nghiệm để làm tốt công tác XHHGD, Ban giám hiệu các trường đều cho biết, phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đặc biệt là phải luôn chủ động trong công tác tham mưu. Muốn kêu gọi được sự ủng hộ của cộng đồng, thì trước hết, nhà trường phải chứng minh được những lợi ích thiết thực, hiệu quả đem lại từ sự ủng hộ đó. Thực tế cũng cho thấy, XHHGD không nhất thiết phải là sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, đối với các trường ở vùng nông thôn, miền núi, công tác XHHGD có thể được bắt đầu từ việc vận động, kêu gọi sự ủng hộ về ngày công lao động và những vật liệu có sẵn trong nhân dân.
Công tác XHHGD không chỉ đem lại những công trình cơ sở vật chất hiện hữu, quan trọng hơn là góp phần làm thay đổi nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ học sinh và cộng đồng nói chung đối với sự nghiệp giáo dục. Vì, phát triển sự nghiệp GD&ĐT không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường hay toàn ngành GD&ĐT mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội.
Nhật quỳnh