Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, thực tế trên mạng internet hiện nay có rất nhiều thông tin dưới các hình thức như: báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin nội bộ, trang thông tin điện tử chuyên ngành, blog… Nó trở thành hệ thống truyền thông xã hội; đóng vai trò rất quan trọng trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay. Qua hệ thống truyền thông xã hội này, người dân được tiếp cận thông tin rất nhanh, đa dạng ở các lĩnh vực, vùng miền, trong và ngoài nước. Đây là tiện ích của mạng truyền thông xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời các câu hỏi chấn vấn
của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
“Vì hệ thống truyền thông xã hội nhanh nhạy như vậy cho nên cũng có hạn chế nhất định, như hạn chế trong kiểm chứng thông tin, dẫn đến có những thông tin thất thiệt. Với “độ mở” mọi lúc mọi nơi, giấu được danh tính của người đưa nên những phần tử xấu đã lợi dụng đưa những thông tin sai lệch về kinh tế để lừa đảo, thậm chí đưa thông tin sai về chính trị. Trong thời gian vừa qua, nhiều trang thông tin xã hội đã đưa sai tình hình kinh tế, xã hội, đưa những hình ảnh không phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam, đặc biệt có những thông tin sai lệch gây mất đoàn kết nội bộ, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bóp mép lịch sử, đưa thông tin nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúng ta, ảnh hưởng an ninh quốc gia” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bức xúc nói.
Để quản lý tốt thông tin trên mạng, Bộ trưởng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT từng bước nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước thông tin báo chí điện tử theo đúng Luật Báo chí. Ví dụ, các trang mạng xã hội thì trước đây chỉ cần đăng ký, giờ nâng lên thành cấp phép chặt chẽ hơn.
“Riêng trang blog cá nhân vẫn là một thách thức, vì không phải tất cả mọi người dùng blog đều có server tại Việt Nam, và khi có sai phạm thì có thể xử lý được nhưng với những người dùng blog đăng ký server ở nước ngoài thì hiện nay vẫn là một thách thức lớn” – Bộ trưởng cho biết.
Ngoài ra, Báo mạng điện tử là loại hình mới xuất hiện, trong khi đó Luật Báo chí ra đời cách đây 24 năm (1999), và đã được sửa đổi cách đây 14 năm, do đó chúng ta chưa có chế tài xử phạt đối với báo mạng điện tử, vì vậy thời gian tới sẽ sửa đổi bổ sung Luật báo chí cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Trước mắt, Bộ quán triệt thực hiện nghiêm Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và có kế hoạch thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí, có như vậy báo chí mới có nhiều thông tin tốt, nhanh nhạy, kịp thời, chính xác để báo chí đưa tin đúng, tin chính thống ở môi trường mạng, lấn át những thông tin độc hại.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, để bảo đảm môi trường thông tin mạng trong sạch, bảo vệ an ninh quốc gia đối với lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra để kiểm soát nội dung trang thông tin mạng, nếu sai phạm sẽ rút giấy cấp phép hoặc. Nếu các báo điện tử vi phạm Luật báo chí, vi phạm Nghị định 72 thì sẽ có chế tài xử lý. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan các cấp, yêu cầu phải xác định ngay nếu thông tin báo chí có sai sót, và báo chí phải làm đúng theo tôn chỉ mục đích, đưa tin chính thống trên mạng. Ở mỗi ngành, địa phương, khi xác định có thông tin sai về địa phương mình, ngành mình thì phải báo cho cơ quan chức năng, hay người phát ngôn để bác bỏ ngay, tránh thông tin sai lan truyền.
Tuyên truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng để mọi người cùng có ý thức, trách nhiệm đấu tranh chống thông tin sai trái trên mạng, có ý thức tự “đề kháng” với thông tin sai trái, phản động./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam