Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên chất vấn sáng 20/11. (Ảnh: TTXVN)
Nông dân trả đất là tín hiệu tốt hay xấu?
Đầu giờ sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tiếp tục trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra với ngành nông nghiệp.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt vấn đề, ngành trồng điều đang thua ngay tại sân nhà do năng suất thấp, không đủ sức cạnh tranh. Đáng lưu ý, có một thực tế là chúng ta đang nhập nhiều điều từ nước ngoài với giá rẻ hơn, nhưng chất lượng kém để chế biến với thương hiệu điều của Việt Nam. Đại biểu hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát có biết thực tế này không và có giải pháp gì để cứu lấy người trồng điều và thương hiệu điều Việt Nam trên trường quốc tế?
Trả lời đại biểu Hùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, sản phẩm điều của nước ta đã chiếm được hơn 50% thị phần thế giới. Năm nay, Bộ đã yêu cầu tập trung lực lượng cao nhất để chọn những giống điều có năng suất cao, xây dựng các trung tâm sản xuất điều.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) chất vấn ngắn gọn: “Xin Bộ trưởng cho biết, nông dân trả đất chuyển đổi là tín hiệu tốt hay xấu?"
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát phân tích, ở đây có hai vấn đề, thứ nhất là nông dân bỏ ruộng tức là không gieo trồng, thứ hai là nông dân trả ruộng. Bộ trưởng cho hay, thống kê đến tháng 9/2013, có gần 43 nghìn hộ không gieo trồng 6.680 ha và 3.400 hộ trả lại 433 nghìn ha.
Theo Bộ trưởng, việc nông dân không gieo trồng có nhiều lí do như gieo trồng không hiệu quả, thời tiết khắc nghiệt, cũng có một số gia đình thiếu lao động. Đối với việc nông dân trả ruộng, Bộ trưởng thừa nhận có thực tế, có nơi trả ruộng với lí do là địa phương tính đóng góp của nhân dân để làm đường, phúc lợi theo đầu sào, vì thế bà con tính toán trả lại ruộng."Làm một sào ruộng thu được 100 - 200 nghìn, nhưng thu phúc lợi gần 1 triệu đồng, bà con thấy tốt nhất nên trả lại ruộng" - Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin.
Theo Bộ trưởng, vấn đề trước mắt cũng như lâu dài là phải tiếp tục hỗ trợ nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng; các địa phương phải chấn chỉnh lại việc thu phí đóng góp của nhân dân. Bộ trưởng cũng cho rằng, đây còn là dấu hiệu cho thấy có vấn đề ở một số nơi về sản xuất nhiều hơn là chính sách về đất đai.
“Áo dành cho ngành nông nghiệp đã chật”
Tham gia giải trình thêm trước những vấn đề của ngành nông nghiệp, đặc biệt là một số vấn đề liên quan đến tín dụng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, tín dụng hệ thống ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp tăng trưởng rất nhanh. Trong vòng 5 năm, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này tăng gấp 2,2 lần, chiếm 22% tổng số dư nợ của nền kinh tế. Điều này tương xứng với tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP của đất nước.
Tuy nhiên, Thống đốc Bình cũng thừa nhận “nếu nhìn một cách khái quát thì thấy rằng hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn có chững lại, giảm sút”.
Theo Thống đốc Bình, thực trạng này phải được nhìn ở 2 góc độ. Trước tiên, nếu nhìn lại chặng đường gần 30 năm đổi mới thì ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, có thành tựu của ngành nông nghiệp hôm nay là sự nỗ lực vô cùng to lớn của nông dân và cả hệ thống chính trị.
Thế nhưng, bước sang giai đoạn mới thì phải nhận định rằng cái áo mà chúng ta may cho ngành nông nghiệp 30 năm qua đã chật, chúng ta phải có các chính sách mới để giúp nền nông nghiệp phát triển ở trình độ cao mới trong giai đoạn mới của đất nước.
Hiện nay, đang đổi mới mô hình trăng trưởng, đang tái cấu trúc nền kinh tế, Đảng đang chỉ đạo sơ kết Nghị quyết về tam nông, Chính phủ cũng đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quốc hội đã thông qua Luật hợp tác xã mới... Đó là những tiền đề quan trọng để tiến hành cải cách sâu rộng, mạnh mẽ nền nông nghiệp thời gian tới để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình
“Với tinh thần đó, hệ thống ngân hàng đang tập trung mọi nỗ lực để sửa đổi lại các cơ chế chính sách trong hệ thống tín dụng của ngân hàng để phục vụ tốt mục tiêu của đất nước.” – Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Khẩn trương rà soát, bảo đảm an toàn hồ chứa
Kết lại phần chất vấn đối với Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá Bộ trưởng Cao Đức Phát và các trưởng ngành tham gia giải trình thêm đã giải đáp tương đối thấu đáo những vấn đề mà các vị ĐBQH đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị từ nay đến năm 2015, phải phục hồi lại đà tăng trưởng trong ngành nông nghiệp. Đi theo đó, phải huy động mọi nguồn lực, quy hoạch kế hoạch một cách căn cơ để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện. Trong tái cơ cấu chú ý tới tái cơ cấu từ sản xuất tới chế biến, thị trường tiêu thụ để bảo đảm liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ, trở thành một chuỗi liên kết với ngân hàng. Cùng với đó, cần quan tâm tới việc đẩy mạnh các thương hiệu nông sản quốc gia để có thể tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển ra thị trường quốc tế…
Trong phần kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo ngại trước con số mà Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin là cả nước còn tới 1.200 hồ có vấn đề, cần phải tu bổ, sửa chữa. Chủ tịch đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát và UBND các địa phương khẩn trương rà soát lại tất cả 1.200 hồ trên và báo cáo hồ nào an toàn, hồ nào không an toàn.
Trách nhiệm này trước hết thuộc về Chủ tịch UBND các địa phương, sau đó mới đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Thiếu vốn đến đâu cũng không thể để vỡ hồ – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam