Đồng chí Lê Thành Nhật, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt 6/19 tiêu chí (thủy lợi, điện, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa), với tiến độ này cuối năm nay sẽ đạt thêm 2 tiêu chí. Hiện xã đang tập trung lập đồ án chi tiết, đồng thời triển khai các bước tiếp theo trong lộ trình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Chủ trương của địa phương trong xây dựng NTM là ưu tiên phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế biển để đưa kinh tế phát triển bền vững. Từ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, đến nay Thanh Hải đã xây dựng được vùng chuyên trồng rong sụn, nuôi ốc hương, tôm hùm, quy mô hàng trăm ha ở thôn Mỹ Hiệp, Mỹ Tân 1, Mỹ Tân 2; trong đó, có gần ½ diện tích nuôi theo quy trình thâm canh và bán thâm canh mang lại hiệu quả cao. Để nâng mức thu nhập từ 12 triệu đồng/người/năm hiện nay lên 14 triệu đồng vào năm 2014 như trong lộ trình xây dựng NTM, bên cạnh mở rộng quy mô nuôi tôm hùm, ốc hương, xã có chủ trương đưa thêm các giống cá có giá trị kinh tế cao vào nuôi. Mô hình nuôi cá bóp mới được triển khai ở 5 hộ, với số lượng 4.200 con đang phát triển tốt cho thấy hướng phát triển của địa phương là đúng đắn.
Tàu thuyền của ngư dân xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải
Từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, cấp ủy, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đóng mới tàu thuyền phục vụ khai thác thủy sản. Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt như hộ anh Trần Trung, ở thôn Mỹ Tân. Do đó, năng lực tàu thuyền tăng dần, từ đầu năm đến nay ngư dân đóng mới 5 chiếc tàu với tổng công suất 740 CV, nâng tổng số tàu thuyền lên 323 chiếc/14.242 CV. Đáng mừng là, không riêng gì ngư dân thôn Mỹ Tân 1, Mỹ Tân 2, mà gần đây nhiều ngư dân làm nghề lặn ở thôn Mỹ Hiệp cũng mạnh dạn đầu tư tiền tỷ đóng thuyền lớn làm nghề vây rút chì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng đánh bắt hải sản ở địa phương vì thế năm sau cao hơn năm trước, chỉ riêng từ đầu năm đến nay khai thác được gần 5.000 tấn.
Ngoài việc chú trọng khai thác lợi thế kinh tế biển, địa phương cũng đã vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM đó là việc 5 hộ dân ở thôn Mỹ Phong hiến 3.200m2 đất để xây dựng hệ thống thoát lũ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hành, tỏi là hai loại cây trồng chủ lực, nhưng trước đây do một số khu vực đất bị úng nước về mùa mưa nên chỉ sản xuất được hơn 30 ha. Từ năm 2012, khi có hệ thống thoát lũ diện tích hành, tỏi tăng lên gần 43ha. Để nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất xã chú trọng vận động bà con áp dụng các mô hình sản xuất mới. Đơn cử như mô hình “Sử dụng chế phẩm EMINA để quản lý bệnh hại, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng phân bón lá RQ cho cây hành, tỏi” đã tiết kiệm được 20% phân bón so với sản xuất truyền thống, chất lượng và năng suất cũng được tăng lên. Với những nỗ lực phát triển kinh tế, đã dần nâng cao mức sống cho người dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương xuống còn dưới 4,5%.
Nông dân xã Thanh Hải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác cây hành đỏ cho năng suất, chất lượng cao.
Ảnh: Sơn Ngọc
Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở xã Thanh Hải có khởi sắc. Một số công trình như trường học, trạm y tế, đường giao thông đã và đang được xây dựng từ sự chung sức, chung lòng của nhân dân. Hiện tại, địa phương đang tiếp tục vận động nhân dân đóng góp công sức để làm tiếp 2 tuyến đường ở thôn Mỹ Tân 1 và Mỹ Tân 2, có tổng chiều dài 3 km phục vụ cho mua bán hải sản; đồng thời, vận động bà con chấp hành bàn giao mặt bằng để xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ, dự kiến khởi công vào đầu năm 2014.
Anh Tùng