Ninh Thuận: Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

(NTO) Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa lớn trong hai ngày 14 và 15-11. Nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất nhanh gây ngập lụt các khu dân cư và làm thiệt hại hoa màu của nông dân các xã Hòa Sơn thuộc huyện Ninh Sơn và xã Phước Vinh thuộc huyện Ninh Phước. Ngay sau khi nước lũ đi qua, chính quyền các địa phương huy động mọi nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống nhân dân.

Sáng sớm ngày 16-11, chúng tôi có mặt tại xã Phước Vinh, nơi bị nước lũ uy hiếp, chính quyền địa phương đã phải di dời 122 hộ dân sinh sống ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn. Ông Huỳnh Xuân 80 tuổi ở thôn Bảo Vinh ngậm ngùi nói:” Tui sinh sống làm rẫy ở Bảo Vinh hơn 50 năm qua nhưng chưa có năm nào Suối Me nước lũ xuống hỗn như năm nay. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, hơn nửa làng Bảo Vinh bị nước lũ ngập trắng. Nước xói lở đường, sập tường rào, cuốn trôi hàng trăm con gà vịt ra sông. Tui có mấy chục con gà bị nước lũ cuốn mất”.

Nước lũ bồi đắp nhiều diện tích hoa màu của nông dân xã Phước Vinh.

Ngay sau lũ, người dân thôn Bảo Vinh ra đồng chăm sóc hoa màu khôi phục sản xuất.

Anh Nguyễn Thanh Truyền, trưởng thôn Bảo Vinh đưa chúng tôi ra cánh đồng có tục danh Hai Văn và Tư An. Con đường nội đồng biến thành suối nước chảy xiết ngập sâu 70- 80 cm. Chúng tôi “lội suối” ghi lại hình ảnh hoa màu nông dân bị thiệt hại do mưa lũ. Trưởng thôn Truyền cho biết toàn thôn có 345 hộ với 1.547 nhân khẩu canh tác 190 ha đất màu. Trận lũ “lịch sử” chiều ngày 15-11 làm thiệt hại khoảng 50 ha hoa màu của nông dân. Ngay sau lũ, bà con vừa sửa san nhà ở vừa ra đồng chăm sóc cây trồng. Để khắc phục tình trạng lũ quét trên dòng Suối Me, Bảo Vinh cần được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thoát lũ từ đầu thôn đến sông Cái Phan Rang dài khoảng 2,2 km.

Thôn Phước An 1 ở hạ nguồn suối Tầm Rá bị nước lũ gây ngập nhà ở và nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều gia đình trồng sú lơ, bắp lai, hành ta, dưa leo bị nước lũ cuốn gần như mất trắng. Ông Hồ Hồng nói gia đình ông có 6 sào hành ta và 7 sào bắp lai chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là cho thu hoạch nhưng nay bị lũ cuốn gần như mất trắng. Nếu tính theo giá thị trường, gia đình ông bị thiệt hại khoảng 300 trăm triệu đồng.

Ông Hồ Hồng ở thôn Phước An 1 đứng trước ruộng hành bị nước lũ cuốn trôi.

Ngay sau khi cơn lũ đi quan, nông dân Phước An 1 khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa.

Đồng chí Nguyễn Mông, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết Phước An 1 và Bảo Vinh là hai khu dân cư bị nước lũ gây thiệt hại về hoa màu, nhà ở, đường giao thông. Do chính quyền và nhân dân chủ động phòng chống bão lũ nên không gây thiệt hại về người; diện tích hoa màu bị hư hại khoảng 200 ha. Chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục bờ kè, đường giao thông bị sạt lỡ. Và kiểm tra mức độ thiệt hại của nông dân đề nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ vật tư giúp bà con tiếp tục làm đất gieo trồng vụ đông xuân sắp tới.

Huyện Ninh Sơn có nhiều sông suối nên mưa lũ ngày 15-11 làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu ở các xã Mỹ Sơn, Lâm Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới. Đặc biệt lũ quét trên Sông Dầu gây ngập lụt nghiêm trọng ở các khu dân cư Tân Lập, Tân Định. Nhiều đoạn đường thuộc tỉnh lộ 708 nối liền giữa Hòa Sơn- Phước Vinh và tỉnh lộ 709 nối Hòa Sơn- Ma Nới bị hư hỏng. Ngay sau cơn lũ đi qua, UBND huyện Ninh Sơn chỉ đạo chính quyền các địa phương huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống.

Mực nước lũ ngập cao hơn 2 mét tại nhà anh Đào Văn Hiển ở xã Hòa Sơn.

Thanh niên địa phương giúp gia đình anh Đào Văn Hiển dọn dẹp lại nhà ở.

Nhiều người dân ở xã Hòa Sơn cho rằng cơn lũ chiều ngày 15-11 là trận lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua. Chỉ trong thời gian khoảng 3 giờ, từ 13 đến 16 giờ, nước lũ dâng vượt khỏi mặt cầu Sông Dầu cũ. Nhiều nhà dân ở thôn Tân Lập bị nước ngập sâu 1,5- 2 mét, bà con phải di tản tránh lũ. Chỉ tay lên ngấn nước trên vách cao quá đầu người, anh Đào Văn Hiển 49 tuổi nói:” Tui ở đây hơn 30 năm nhưng có năm nào nước lũ dâng lên nhanh như năm nay. Khi nước dâng cao lúc 14 giờ ngày 15-11, vợ chồng con cái lo di tản cứu người nên toàn bộ đồ đạc sinh hoạt bị chìm trong nước lũ. Sáng nay nhờ có bà con đến giúp gia đình dọn dẹp nhà ở, ổn định cuộc sống”.

Chính quyền xã Hòa Sơn huy động lực lượng san lấp những đoạn bị lở trên
tỉnh lộ 708 bảo đảm giao thông.

Ngay sau lũ, sáng ngày 16-11, nông dân Hòa Sơn ra đồng thu hoạch hoa màu ổn định cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết với phương châm “4 tại chỗ”, chính quyền địa phương tổ chức di dời, cứu hộ bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng nhân dân trong cơn lũ chiều ngày 15-11. Theo thống kê ban đầu, toàn xã có 49 căn nhà bị ngập lũ, 11 ha mía mì bị hư hại, 1,2 ha đất canh tác bị cát bồi đắp. Ngay sau lũ, UBND xã chỉ đạo các ngành, các đoàn thể tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân.