Nới lỏng chính sách để kích thích tăng trưởng tín dụng

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm nên nhiều ý kiến lo ngại kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay sẽ không đạt. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Chúng ta vẫn có cơ sở để tin tưởng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 11 - 12%. Tuy nhiên, NHNN không đặt ra yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá”.

Đẩy mạnh kích cầu vay vốn

Hiện nay, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đã giảm xuống dưới 10%/năm nhưng vẫn khó giải ngân. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp (DN), họ không có nhu cầu vay vốn vì thời điểm này hàng hóa sản xuất ra vẫn tồn đọng, khó tiêu thụ trong bối cảnh sức mua yếu.

Ngân hàng tích cực cho khách hàng vay vốn. Ảnh minh họa.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cũng như khơi thông nguồn vốn, thời gian qua nhiều ngân hàng đã tung ra đủ chiêu thu hút khách vay tiền với lãi suất ưu đãi. Thậm chí, một số ngân hàng còn chấp nhận mức giảm chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động xuống mức thấp là dưới 3% để kéo khách hàng.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á châu - ACB: Mặc dù rất nỗ lực nhưng vẫn khó đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra của năm nay. Nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng của ngân hàng những tháng qua rất yếu. Lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở tại khu vực phía Nam cũng cho biết: Mặc dù ngân hàng đã thực hiện hàng loạt các chương trình khuyến mại, giảm lãi suất cho vay; kích cầu tiêu dùng cá nhân nhưng vẫn không đủ bù đắp cho các khoản trích lập dự phòng rủi ro cũng như trả lãi tiền gửi cho người gửi tiền. Năm nay, ngân hàng có thể chỉ đạt trên 2/3 chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra.

Về chính sách điều hành của NHNN thời gian qua, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Đỗ Văn Vẻ cho biết: “Đúng là lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng ngay DN đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của ngân hàng cũng dè dặt vay vốn. Các DN này phải điều chỉnh mục tiêu kinh doanh, quy mô kinh doanh ở mức hợp lý hơn. Đặc biệt, các DN cũng không đầu tư dàn trải mà phải tính toán, làm ăn hiệu quả để không ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của DN”.

Tuy nhiên đại diện Hương Sen cũng cho rằng: Hiện lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm mạnh, chỉ còn bằng 50% lãi suất cho vay năm 2011, tương đương với mức lãi suất giai đoạn 2005 - 2006. Điều này làm cho DN dễ chịu hơn, thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. Những DN quản lý tốt, kinh doanh có hiệu quả và làm ăn bài bản rất thuận lợi trong công tác tiếp cận vốn ngân hàng.

Để chia sẻ khó khăn cho DN, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết: Hiện nay, không chỉ những DN tốt mới được vay lãi suất thấp mà ngay cả với các khách hàng đã có lịch sử về nợ xấu cũng được xem xét để hỗ trợ vốn, lãi suất thấp. Theo Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), ngoài việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cũng phải có phương án tài trợ vốn để khách hàng tiếp tục hoàn thành các dự án sản xuất, hay tiếp tục kinh doanh. Việc tái cơ cấu nợ cho DN cũng đã được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank). “Chúng tôi xuống tận nơi để cùng DN tìm cách tháo gỡ khó khăn, đồng thời hỗ trợ vốn cho khách hàng tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh". Thực tế, lãi suất cho vay tại DongA Bank hiện chỉ dao động 8 - 10%/năm”, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng giám đốc DongA Bank nói.

Mới đây, NHNN còn có Công văn số 7558 chỉ đạo các ngân hàng tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN có nợ xấu được vay mới. Theo đó, nếu DN có nợ xấu tại NH nhưng đang có phương án sản xuất, kinh doanh mới, NH sẽ xem xét tính khả thi, hiệu quả để tính toán cho vay. Yêu cầu các TCTD phối hợp chặt chẽ với nhau và làm việc với khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong trường hợp nhiều TCTD cùng cho vay đối với 1 khách hàng. Các TCTD xem xét và quyết định xử lý đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ như miễn, giảm lãi vốn vay; không thu lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau.

Đảm bảo chất lượng tín dụng

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có giải trình chi tiết bằng văn bản gửi tới đại biểu Quốc hội về kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay liệu có quá cao? Theo Thống đốc, chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2013 được NHNN đưa ra trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, NHNN không đặt ra nhiệm vụ cho các TCTD phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà yêu cầu các TCTD mở rộng tín dụng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng, hiệu quả tín dụng.

Theo NHNN, thời gian qua NHNN chỉ đạo các TCTD thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng. Kết quả cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu hồi phục, tín dụng ngân hàng đang có xu hướng tăng dần trở lại. Đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt mức 7,02%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (chỉ tăng 3,54%). Trên cơ sở kết quả đạt được trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2012, NHNN có cơ sở để tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cuối năm 2013 sẽ đạt khoảng 11 - 12%.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động tín dụng của TCTD, đồng thời xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 đối với các TCTD có khả năng mở rộng tín dụng. NHNN cũng đang xem xét, trình cấp có thẩm quyền xử lý nhu cầu vốn vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định đối với nhập khẩu xăng dầu, các dự án quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN