Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác giúp dân chằng chống nhà cửa,
neo đậu tàu thuyền an toàn tại cảng Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Anh Tùng
Bộ đội Biên phòng giúp dân di chuyển tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Anh Tùng
Huyện Thuận Nam đã cử cán bộ xuống các cơ sở, chỉ đạo giúp dân chằng chống lại nhà cửa, bố trí người trực 24/24; rà soát lại phương án chống bão, trường hợp khẩn cấp tổ chức di dời dân ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn. Tại các xã ven biển Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh, các Đồn Biên phòng 416, 420 đã liên lạc và hướng dẫn tàu vào nơi neo đậu an toàn. Rút kinh nghiệm đợt phòng, chống cơn bão Haiyan, lần này các đồn biên phòng trưng dụng thêm tàu của ngư dân, phối hợp với lực lượng dân quân xã thành lập các đội đi ra cửa biển kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Đến 15 giờ, 867 tàu thuyền của xã Phước Dinh, Cà Ná và 188 tàu thuyền của ngư dân xã Phước Dinh hoạt động ngoài khơi đã vào bờ neo đậu an toàn. Bộ đội Biên phòng cũng đã liên lạc, hướng dẫn trú bão an toàn cho 372 phương tiện đang đánh bắt ở vùng biển Bình Thuận và Kiên Giang.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, đồng chí Đỗ Hữu Nghị yêu cầu huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão. Chính quyền các xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng giúp ngư dân neo đậu, giằng néo tàu thuyền, cương quyết không để người dân ở lại trên biển.
► Cùng thời gian này, đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới tại Tp.Phan Rang- Tháp Chàm và huyện Ninh Hải. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra công tác di dời, neo đậu tàu thuyền tại các Cảng cá Ninh Chử, Cảng cá Mỹ Tân (Ninh Hải) và phường Mỹ Đông (Phan Rang- Tháp Chàm).
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão tại Cảng cá Mỹ Tân. Ảnh: Uyên Thu
Đến 17 giờ ngày 14-11, hầu hết số tàu, thuyền của huyện Ninh Hải đã được vào nơi tránh trú an toàn. Toàn huyện đã di dời gần 100 hộ dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Riêng đối với Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, còn 22 chiếc tàu, thuyền của Đông Hải và 14 tàu, thuyền của Mỹ Đông đang hoạt động trên biển đã được liên lạc di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn.
Tại những nơi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương túc trực 24/24 theo dõi mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới; huy động mọi lực lượng, thực hiện mọi phương án hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa; hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tuyết đối không để người dân nào trên các tàu, thuyền nhằm bảo đảm tính mạng cho nhân dân.
Phan Rang- Tháp Chàm
BCH PCLB Tp. Phan Rang - Tháp Chàm họp triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới.
Ảnh: Uyên Thu
BCH PCLB Tp.Phan Rang- Tháp Chàm chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới; rà soát, bổ sung kịp thời các phương án đề phòng áp thấp có thể mạnh lên thành bão. Chính quyền các cấp huy động mọi lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng; di dời nhân dân ở các vùng xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn. Đối với các phường ven biển: Đông Hải, Mỹ Đông thông báo nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi, tìm cách thông tin liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động ngoài biển nhanh chóng vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ninh Phước
BCH PCLB huyện Ninh Phước họp triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới.
Ảnh: Mỹ Dung
Lãnh đạo huyện Ninh Phước yêu cầu cấp ủy, UBND các xã, thị trấn, ban, ngành, đoàn thể của huyện huy động toàn lực lượng chủ động ứng phó với ATNĐ. BCH PCLB các cấp ứng trực 24/24, triển khai ngay phương án phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Tổ chức sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven biển Hòa Thạnh (xã An Hải); vùng ven sông, suối ở các xã Phước Hải, thị trấn Phước Dân và vùng dễ bị sạt lở ở hạ lưu hồ chứa nước tại các xã Phước Vinh, Phước Thái, Phước Hữu về nơi an toàn. Thông báo cho nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, các hộ dân nuôi trồng thủy sản có kế hoạch di dời, bảo vệ tài sản khi bão lũ xảy ra.
Ninh Sơn
BCH PCLB huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trưởng triển khai nhanh các phương án phòng, chống ATNĐ có khả năng gây mưa lớn, lũ quét. Các địa phương nằm trong vùng thường xảy ra sạt lở, xung yếu như: Lâm Sơn, Ma Nới, Hòa Sơn…khẩn trương có kế hoạch di dời kịp thời các hộ dân đến các khu vực an toàn. BCH PCLB các xã tổ chức trực ban 24/24 nắm bắt thông tin liên tục cảnh báo người dân không được lưu thông tại các khu vực nguy hiểm như bờ tràn, kênh đập khi có mưa để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra…
Bác Ái
BCH PCLB huyện Bác Ái yêu cầu các ngành, địa phương tập trung triển khai ngay các phương án phòng, chống lụt bão. Các xã khẩn trương tổ chức rà soát, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ dâng cao; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, không lưu thông gần các khu vực bờ tràn, sông suối…Lên phương án “4 tại chỗ” đối với các khu vực thường xuyên bị chia cắt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân…Tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa nước và các công trình đang xây dựng gần khu vực sông, suối.
Ninh Hải
UBND huyện Ninh Hải đã họp khẩn cấp BCH PCLB & TKCN triển khai phương án ứng phó ATNĐ gần bờ trên địa bàn huyện.
Hiện nay mực nước các hồ chứa như Thành Sơn, Ông Kinh đều đang ở mức thấp, riêng hồ Nước Ngọt đã vượt khỏi dung tích thiết kế (1.800.000 m3), để bảo đảm an toàn, hồ đang được xả lũ chậm để hạ thấp mực nước dâng. Đối với vùng biển, hầu hết tàu thuyền đều về neo đậu tại các bến, cảng cá và 44 lồng bè nuôi trồng thủy sản đang di dời đến nơi an toàn.
BCH PCLB huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24, sẵn sàng thực hiện phương án di dời dân các vùng trũng thấp và chuẩn bị lực lượng (chủ yếu là Đoàn Đặc công 5, thanh niên xung kích), phương tiện cứu hộ trên bờ và trên biển khi có tình huống xấu xảy ra. Trạm Thủy nông Ninh Hải có kế hoạch đóng mở cống kịp thời để bảo vệ các công trình đầu mối, vận hành các hồ chứa xả nước hợp lý để bảo vệ an toàn hồ đập và vùng hạ lưu.
Thuận Nam
Ngư dân chằng chống, bảo vệ tàu thuyền chống bão tại cảng cá Cà Ná. Ảnh: Bích Thủy
Ngay sau khi nhận được công điện khẩn của UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống các xã để chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó. Các địa phương thông báo, vận động người dân chằng chống, gia cố vững chắc nhà cửa. Huyện cũng đã triển khai lực lượng giúp người dân vùng sạt lở, ven biển, vùng trũng thấp, chuẩn bị sẵn sàng di dời khi cần thiết để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Thủy nông theo dõi sát mực nước các hồ đập; kiểm tra hệ thống thoát lũ, nhất là các đoạn xung yếu.
Tại xã biển Cà Ná, BCH PCLB của xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng 420 và Ban Quản lý cảng cá tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền trong cảng, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn. Các lực lượng xung kích phối hợp với bộ đội biên phòng đắp bao cát, kè bờ khu vực sạt lở thuộc địa bàn thôn Lạc Sơn 1; 80 hộ dân thuộc khu vực sạt lở này cũng đang được các lực lượng khẩn trương giúp chằng chống nhà cửa, chuẩn bị sẵn sàng di dời về nơi an toàn nếu tình hình xấu xảy ra.
Thuận Bắc
BCH PCLB huyện Thuận Bắc họp triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới.
Ảnh: Trần Phương
Trước tình hình diễn biến phức tạp của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão ảnh hưởng vào tỉnh ta, ngày 14-11, UBND huyện Thuận Bắc tổ chức họp BCH PCLB triển khai các phương án phòng, chống trên địa bàn huyện.
Huyện Thuận Bắc phân công các thành viên BCH PCLB trực tiếp xuống các xã chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão. Các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm bắt và liên tục thông tin về diễn biến của ATNĐ để người dân biết chủ động phòng tránh. Các xã huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ tổ chức cứu hộ, cứu nạn và di dời dân ở những vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa. Các Trạm Thủy nông triển khai kế hoạch đóng mở nước hợp lý, bảo vệ hồ chứa, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi.
NHÓM PV