Đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh và cân đối quỹ Bảo hiểm Y tế: Cần nhiều nỗ lực

(NTO) Những năm qua, mặc dù công tác khám, chữa bệnh BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên việc đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) và cân đối quỹ BHYT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành chức năng.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong 3 năm (2010-2012), kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT toàn tỉnh trên 125 tỷ đồng. Cùng với việc số người tham gia BHYT tăng thì số quỹ tồn hằng năm càng lớn. Cụ thể, năm 2010 kết dư 36,5 tỷ đồng, năm 2011: 37,3 tỷ đồng, năm 2012 kết dư 51,2 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã kết dư quỹ này gần 30 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là người nghèo, người ở vùng khó khăn sử dụng nguồn quỹ này rất ít. Đơn cử như địa phương có số kết dư nhiều nhất là huyện Bác Ái. Mặc dù địa phương được chi quỹ BHYT năm 2013 đến 7,978 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ mới sử dụng hết 745 triệu đồng.

 
Điều trị bệnh tại Khoa hồi sức chống độc trung tâm Bệnh viện tỉnh.

Ông Trần Thanh Phong, Trưởng phòng Giám định BHYT, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Nguyên nhân khiến quỹ KCB BHYT tồn nhiều là do ở tỉnh ta giá dịch vụ được phê duyệt thấp, các danh mục dịch vụ kỹ thuật cao còn rất hạn chế. Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng chỉ mới thực hiện 2 dịch vụ kỹ thuật cao đó là dịch vụ tổng hợp mổ pha-cô và chạy thận nhân tạo. Tại Bác Ái chi phí KCB chưa bằng 10% quỹ KCB được sử dụng của địa phương, nguyên nhân do vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ít đi KCB, sử dụng dịch vụ ít, chi phí KCB cho đồng bào thấp. Mặt khác, dư quỹ còn do áp dụng mức trần thanh toán tuyến 2 thấp.

Theo quy định, địa phương được sử dụng quỹ KCB BHYT tương đương mức 90% tổng số thu từ “bán” thẻ BHYT. Trong quá trình sử dụng, BHXH Việt Nam sẽ cân đối quỹ, nếu thiếu sẽ cấp bù cho địa phương, còn kết dư thì sẽ thu lại. Như vậy, mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng thực tế chúng ta lại không sử dụng hết quỹ KCB được phép sử dụng. Toàn bộ số tiền kết dư không sử dụng hết sẽ được BHXH tỉnh chuyển cho BHXH Việt Nam.

Theo BHXH tỉnh, để sử dụng có hiệu quả quỹ KCB BHYT thì trước hết ngành Y tế phải tăng cường nhân lực tại cơ sở, đầu tư trang -thiết bị y tế để thực hiện được các kỹ thuật phục vụ dịch vụ y tế. Khi được hỏi về trách nhiệm trong việc sử dụng quỹ đạt thấp, ông Trần Thanh Phong cho biết thêm: Do ngành Y tế không đáp ứng đủ các dịch vụ để sử dụng quỹ, chứ BHYT không hạn chế mức chi, chỉ cần đúng quy định là được.

Để khắc phục bất cập này, thời gian qua, ngành Y tế cũng nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; đề nghị tăng mức trần KCB cho Bệnh viện Y học Dân tộc; tăng cường nhân lực, phương tiện, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến trong đó tập trung vào các dịch vụ y tế kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trên tinh thần đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, qua đó đã được Hội đồng chuyên môn thẩm định phê duyệt có 44 kỹ thuật y tế thuộc tuyến trung ương đạt yêu cầu, cho phép thực hiện tại bệnh viện. Đây là cơ sở để đề nghị Bộ Y tế phê duyệt, cho phép bệnh viện được triển khai thực hiện các kỹ thuật cao, hiện đại, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu KCB của người dân địa phương.

Tin rằng với việc điều chỉnh mức trần phù hợp gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ thuật hiện đại, công tác KCB BHYT tại tỉnh ta sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân, qua đó sử dụng quỹ KCB một cách hợp lý, hiệu quả.