Với mục tiêu của phương án huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với ATNĐ; phòng tránh lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển...nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng nhân dân, tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh chi đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp, các ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện Công điện số 93/CĐ-TW, ngày 11/11/2013, của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Công điện số 94/CĐ-TW, ngày 13/11/2013, của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Công điện khẩn 5451/CĐ-UBND của UBND tỉnh:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động về nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, kiểm đếm tàu thuyền và giữ thông liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện tàu thuyền, khi có lệnh phải đưa tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển từ vĩ tuyến 9 đến vĩ tuyến 15, vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới, đặc biệt theo dõi các tàu nhỏ hoạt động ven bờ; kiểm tra và có phương án bảo vệ an toàn người dân sinh sống ven biển, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các khu dân cư sinh sống ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát dân cư ở các vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, ven sông suối, vùng hạ du các hồ chứa nước, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, bố trí lực lượng trực, kiên quyết không cho người dân qua lại các sông suối, người dân và phương tiện qua đường tràn bị nước lũ tràn qua đường tràn, các vùng bị chia cắt, soát các phương án phòng chống bão lũ, phương án phải xác định rõ tác động của bão lũ gây; phải có phương án chằng chống nhà cửa; sẵn sàng thực hiện phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ hoặc mưa lớn trên đất liền. Khẩn trương chỉ đạo cho dân tổ chức thu hoạch sớm các loại cây trồng; sản phẩm thủy sản ở những vùng có nguy cơ thiệt hại do bão, lụt gây ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH-MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận rà soát, kiểm tra việc vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn cho hạ du; triển khai các phương án bảo vệ an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi; rà soát các hồ đập nguy hiểm để có biện pháp ứng phó kịp thời khi mưa lũ xảy ra.
Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời và thông báo thường xuyên cho tàu thuyền tránh trú an toàn. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận thường xuyên thông báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới để các Sở, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Trung tâm Khí tượng thủy văn Ninh Thuận tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thường xuyên thông báo cụ thể để BCH PCLB tỉnh chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Ban Quản lý khai thác các Cảng cá, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, BCH PCLB các ngành, các cấp bố trí trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo kết quả triển khai về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh.
Công tác di dời sơ tán dân: Giao UBND, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các huyện, thành phố có phương án cụ thể di dời dân (số hộ, số nhân khẩu, phương tiện, lực lượng và địa điểm) ở những vùng ven sông, ven biển, những vùng trũng thấp và những chỗ xung yếu đến nơi an toàn khi có bão tố, nước dâng, sóng thần. (Phương án chung là sơ tán dân về các vùng cao, các tòa nhà cao tầng, các nhà kiên cố trong dòng tộc, họ hàng ở các khu dân cư, các trường học).
Vận động nhân dân và có kế hoạch bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng và bảo vệ các công trình công cộng khi có bão đổ bộ vào đất liền. Đối với nhà tranh, tre, nứa, lá quá yếu khi có bão đổ bộ vào chằng chống cũng không chịu đựng được thì phải có phương án di dời ngay. Vận động nhân dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, dầu hỏa, đèn cầy và các nhu yếu phẩm khác để đối phó với nguy cơ khi có bão lũ đổ bộ vào ban đêm và kéo dài.
Có phương án di dời khách du lịch ở những vùng ven biển có khả năng bị ảnh hưởng ATNĐ. Phương án di dời dân cụ thể gửi về Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đồng thời phân công lãnh đạo xuống các khu vực xung yếu kiểm tra, rà soát các công việc phòng, chống bão, lũ, bảo vệ tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Lực lượng phương tiện cứu hộ trên biển: Chủ yếu là lực lượng vũ trang bao gồm lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn: Sử dụng 4 tàu, 40 đồng chí (Biên phòng: 2 tàu và 20 đồng chí; Đặc công 5: 2 tàu và 20 đồng chí).
Phạm vi tìm kiếm cứu nạn: Từ Bình Tiên đến Cà Ná, với tầm vươn xa tùy theo tính năng hoạt động của từng loại tàu cứu nạn. Sau khi người và tài sản được cứu vớt chuyển vào bờ giao cho Hội chữ Thập đỏ các huyện, thành phố. Tổ chức chỉ huy tìm kiếm cứu nạn: Do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trực tiếp chỉ huy. Không quân 937 điều 1 trực thăng cùng kíp lái tham gia cứu hộ, cứu nạn, thị sát, tuyên truyền khi có yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh. Sau khi người và tài sản được cứu vớt chuyển vào Sân vận động các huyện, thành phố giao cho Hội chữ Thập đỏ các huyện, thành phố.
Để chuẩn bị tốt công tác đối phó với ATNĐ, Chủ tịch UBND tỉnh phân công cụ thể cho các thành viên UBND tỉnh xuống các địa bàn để kiểm tra, rà soát các công việc phòng, chống bão, lũ, bảo vệ tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đặc biệt chú trọng công tác việc kiểm tra rà soát việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Phương án di dời dân vùng xung yếu, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị sạt lở, triều cường, sóng lớn,...
Xuân Bính