Khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ

NTO) Sáng ngày 14-11, đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh: Hồi 4 giờ ngày 14-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc, 114,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc, 111,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận khoảng 270 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

 
Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 
 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại cuộc họp.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 15-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc, 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường nên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ chiều tối nay (14-11), vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận tối nay có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; tối và đêm nay, vùng mưa này sẽ mở rộng xuống các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh được tăng cường nên ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, thời tiết khu vực tỉnh ta trong 24 đến 48 giờ tời có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió mạnh dần lên, trên đất liền cấp 3, cấp 4, có lúc cấp 5, giật trên cấp 6; trên biển gió cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 8. Biển động mạnh.

Trước dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào tỉnh ta vào đêm nay và rạng sáng ngày 15-11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiểm cứu nạn của tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai gấp các phương án ứng phó kịp thời. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển; đến 15 giờ ngày 14-11, phải hoàn tất việc đưa toàn bộ tàu thuyền vào bờ tránh trú an toàn. Ở các cảng cá tổ chức sắp xếp cho tàu thuyền neo đậu hợp lý, tránh va đập; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản. Các địa phương sơ tán ngay người dân sống dọc ven biển, cửa sông, ven suối ở những vùng xảy ra hiện tượng triều cường, lũ quét trước 19 giờ tối nay. Triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi; rà soát các hồ đập nguy hiểm để có biện pháp ứng phó kịp thời khi mưa lũ xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Dừng ngay các cuộc họp không cần thiết ở tỉnh và địa phương để tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Lãnh đạo các huyện, thành phố trực tiếp về ngay cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các xã triển khai các biệp pháp chủ động phòng chống áp thấp. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 13, 14 vừa qua, một bộ phận người dân còn có tâm lý chủ quan, vì vậy các ngành chức năng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng chống lụt bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cho các đồn biên phòng trong tỉnh dùng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành đưa tàu thuyền vào bờ, hoặc ở lại tàu thuyền, lồng bè thủy sản. Bố trí lực lượng ứng trực hoặc cắm biển cảnh báo những nơi xung yếu, đập tràn để người dân không đi lại tránh nguy hại. Ban Phòng chống lụt bão các địa phương phải ứng trực 24/24 để kịp thời thông tin tình hình diễn biến áp thấp để người dân biết chủ động phòng chống.

*Mời xem video clip: Khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ