Năm 2013 xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan

2013 là năm có mức nước biển dâng cao kỷ lục và có nhiệt độ cao thứ 10 kể từ năm 1850. Đây là kết luận của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) trong báo cáo thường niên công bố ngày 13-11.

Theo báo cáo của WMO, mực nước biển toàn cầu đạt mức kỷ lục vào thời điểm tháng 3/2013. Tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 3,2mm/năm, cao gấp đôi con số 1,6mm/năm của thế kỷ XX.

Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud nhận định mực nước biển dâng cao là một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, tương tự như trường hợp của Phillipines với siêu bão Haiyan làm thiệt mạng gần 2.000 người.

Các nhà khoa học tính toán mực nước biển dâng vào năm 2050. Ảnh: SMH

Cũng theo báo cáo trên, 2013 còn là năm có nhiệt độ cao thứ 10 kể từ khi giới khoa học bắt đầu thu thập các dữ liệu nghiên cứu nhiệt độ toàn cầu vào năm 1850. Nếu tính riêng trong 9 tháng đầu năm, thì đây là năm nhiệt độ cao thứ 7. Cụ thể, tính đến tháng 9/2013, nhiệt độ mặt đất và bề mặt đại dương đo được cao hơn 0,48 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961 - 1990. Trong đó, mức nhiệt cao nhất được ghi nhận tại Australia, miền Bắc Bắc Mỹ, Đông Bắc Nam Mỹ, Bắc Phi và nhiều khu vực tại đại lục Á - Âu.

Trong khi đó, băng ở Bắc Cực tiếp tục tan chảy mặc dù tốc độ giảm nhẹ so với năm 2012. Tuy nhiên, tại Nam Cực, lượng băng lại tăng lên 19,47 triệu km2, tăng gần 3% so với giai đoạn 1981- 2010. Các chuyên gia cho rằng thay đổi trong dòng khí lưu và hải lưu có thể là nguyên nhân của hiện tượng này.

Trong một báo cáo công bố hồi tuần trước, WMO cho biết năm 2012, tỉ lệ tích tụ khí thải nhà kính trong không khí tăng lên mức kỷ lục 393,1 ppm, cao hơn 2,2 ppm so với năm 2011 và tăng 41% kể từ năm 1750, thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.

Theo ông Jarraud, mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao trong các năm tới bởi hơn 90% nhiệt lượng từ khí thải nhà kính được hấp thụ vào đại dương, khiến nhiệt độ nước biển không ngừng ấm lên, kéo theo đó là hiện tượng tan băng. Giới chuyên gia cảnh báo nếu loài người không sớm có hành động đối phó với lượng khí thải khổng lồ, thế giới sẽ không tránh được việc phải đối mặt với những thảm họa nghiêm trọng bao gồm siêu bão, khan hiếm nước, nhiều loài động vật tuyệt chủng, hạn hán, biển xâm lấn đất và dịch bệnh.

Báo cáo mới nhất của WMO được đưa ra vào thời điểm đang diễn ra Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu tại Warsaw, Ba Lan.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN