Bạn tôi hay người dân Nhật may mắn không gặp cảnh “màn trời chiếu đất” phải cố gắng và sẵn lòng…nhịn món mình thích. Tất cả hàng hóa đó đều được chuyển dồn về khu vực xảy ra thiên tai trong mấy ngày liên tiếp như vậy. Có điều, số lượng ít ỏi sản phẩm còn lại trong các cửa hàng tiện lợi, dù hiếm hoi, nhưng giá cả vẫn bình ổn do người kinh doanh không lợi dụng hoàn cảnh để đẩy giá lên cao.
Hẳn nhiên, điều này đã phản ánh khả năng kiểm soát thị trường của nhà nước trong tình trạng khẩn cấp. Nhưng phần nhiều chắc hẳn được quyết định bởi chính sự ý thức và “đạo đức kinh doanh” của nhà buôn.
Tôi không nhiều dã tâm đến mức mong điều xấu lại xảy ra để được đích thân “mục sở thị”. Dù sao cuộc sống hằng ngày cũng đủ giúp tôi vẽ thêm những nét tươi mới cho bức tranh về tính nhân bản trong hoạt động kinh doanh của người Nhật Bản.
Đó là câu chuyện tôi thường thấy về cách thức khuyến mãi trong nhiều hệ thống siêu thị ở Nhật. Ngoài các mặt hàng được giảm giá, tặng kèm, dùng thử…, các siêu thị thường áp dụng chính sách giảm giá theo số lượng. Nhưng thú vị là giá chỉ được giảm nếu mua với số lượng ít, thường là một đơn vị sản phẩm. Chẳng hạn, nếu bạn mua một củ cải trắng trong trong lúc khuyến mãi kiểu này, giá là 100 yên, nhưng lấy từ hai củ cải trắng trở lên, giá sẽ là 150 yên mỗi củ.
Tôi và những người bạn Việt đưa ra nhiều lý giải về phương thức bán hàng như thế. Nhưng dường như cũng không đủ tự tin là mình hiểu được đúng cách nghĩ của người bản xứ. Tôi mang chuyện này hỏi một người bạn Nhật để được khẳng định chắc chắn hơn. Và điều quan trọng nhất mà bạn lý giải là người bán muốn nhiều người có cơ hội mua sản phẩm với giá ưu đãi, và người mua vì thế cần biết chia sẻ cơ hội với người khác và cộng đồng. Tôi hiểu về “sự chia sẻ” trong cách nghĩ và cách sống của người dân đất nước nhiều thiên tai này.
Câu chuyện khác xin được nói về những lời chào, cái cúi đầu và thái độ tôn trọng khách hàng của doanh nghiệp hay nhân viên phục vụ, bán hàng. Hẳn nhiên, đây đã là hình ảnh và thậm chí là biểu tượng cho phong cách kinh doanh Nhật Bản. Nhưng có điều, giờ nó còn xảy ra ngay cả khi người ta tiến hành phát quà miễn phí, điều mà tôi vừa chứng kiến ngay tại Lễ hội văn hóa Việt Nam nhân 40 năm quan hệ ngoại giao Việt – Nhật vừa qua.
Theo tôi được biết, do yêu cầu của BTC, công ty nhận thầu cơ sở vật chất phải dành một gian hàng và phát miễn phí khoảng 500 ly chè đậu xanh mỗi ngày cho du khách. Đúng như cam kết, trong hai ngày diễn ra lễ hội, các ly chè đậu xanh đã được các nhân viên là người Nhật nấu tại chỗ. Du khách, theo thói quen lần lượt xếp hàng thẳng tắp. Thay vì để họ tự lấy các ly chè đã được xếp ngay ngắn trên hai dãy bàn phía trước gian hàng, các nhân viên đã tự mình bưng ly chè cúi chào và trao tận tay cho họ với một thái độ rất trọng thị. Những lúc du khách quá đông, họ cũng cố gắng duy trì cách thực hiện ấy một cách nhanh chóng hơn chứ không để du khách tự thân vận động. Tất cả họ đều rất chân thành và niềm nở dưới cái nắng nóng của mùa hè.
Có thể, những điều như vậy không quá lạ ở nhiều nơi khác (tôi chưa đi nhiều nên chưa biết). Nhưng tôi chắc chắn một điều, phong cách kinh doanh tôn trọng khách hàng, tôn trọng giá trị con người và tình người như thế diễn ra rất thường ngày ở Nhật. Và cuối cùng, “đạo đức kinh doanh” trong mỗi doanh nhân Nhật đã cộng hưởng với đạo đức của cộng đồng lâu ngày tạo nên biểu tượng giá trị trong văn hóa ứng xử chung của Nhật Bản – văn hóa ứng xử tôn trọng con người, một giác độ quyền con người mà ngay cả chính chúng ta cũng đang theo đuổi.
Tôi không tin là người dân Việt Nam hay người kinh doanh Việt không có cái thiên lương ấy. Có điều, hãy làm để cho nó thức dậy và hãy làm để biến nó thành thói quen ứng xử hằng ngày.
Tôi còn nhớ cái năm đầu tiên khi siêu thị Co.op Mart khai trương ở Phan Rang, giá cả thị trường vào dịp Tết Nguyên dán năm đó đã giữ được ở mức bình ổn không ngờ. Đương nhiên, niềm vui đó đã vẫn tiếp tục được duy trì cho đến những mùa Tết sau này. Nhiều nhà buôn lấy làm buồn, nhưng chắc nhiều người sẽ không thể vui nếu tình cảnh người bán cứ đợi đến mùa Tết để bắt chẹt và nâng giá hàng hóa phi lý. Cho nên, sự lựa chọn ứng xử đã phải hài hòa hơn, và người kinh doanh đã biết cách hành động có tình có lý hơn.
Những ngày này, người dân Ninh Thuận hay cả đồng bào miền Trung lại khắc khoải lo toan, hay quằn quại chống chọi với nhiều cơn bão gần, xa, lớn, nhỏ. Ở những vùng an toàn khác, bằng sự thức tỉnh lương tri, nhiều người, nhóm người đã âm thẩm quyên góp rồi đem hàng, quà về miền Trung hỗ trợ. Đọc tin bạn bè chia sẻ mà lòng thấy ấm hơn giữa mùa đông nơi xa. Có phải tình người vẫn luôn là tiếng gọi mạnh mẽ tự thân, không cần phải đợi đến khi có khẩu hiệu tiền hô hậu ủng!
Trọng Hiểu