Khắc phục "kẽ hở" trong pháp luật hình sự, phòng chống tội phạm

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

 Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường sáng ngày 7/11. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Chính phủ khẳng định, với những nỗ lực của lực lượng Công an, công tác phòng chống tội phạm đã có những chuyển biến tích cực. Các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng chống tội phạm mà Quốc hội đề ra trong Nghị quyết số 37/2012/QH13 đã cơ bản đạt được. Bộ Công an đã tiếp nhận 98.945 tố giác, tin báo tội phạm, tăng 30,54% so với năm 2012. Hầu hết tin báo đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 90,5%, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 37.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Bộ Công an đã chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ điều tra viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng công tác điều tra có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Mặc dù một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp như: Ma túy, xâm phạm sở hữu, tham nhũng, xâm phạm quản lý kinh tế ..., nhưng với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nên tốc độ gia tăng của tội phạm đã được kiềm chế.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận cao với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; song cũng cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, với hành vi ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật và tham nhũng, các đại biểu: Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị: Tiếp tục rà soát, “bịt kín” các kẽ hở trong pháp luật hình sự, phòng chống tội phạm; tăng cường trách nhiệm thanh tra, quản lý; tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong phòng chống tội phạm. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở về cơ chế trong phòng, chống tham nhũng.

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị thành lập lực lượng chuyên trách điều tra công tác tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Lực lượng này phải thực sự tinh nhuệ, đầy đủ bản lĩnh trí tuệ, nghiệp vụ, được đãi ngộ xứng đáng. Như vậy mới đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để kéo dài như hiện nay; không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ.

Nhận định thực trạng tội phạm gia tăng, ngày càng trẻ hóa, coi thường mạng sống, bất chấp pháp luật và có tổ chức như hiện nay, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề nghị: Nên có nghiên cứu bài bản để dự báo về quy luật phát triển của tội phạm, từ đó tổng kết, đánh giá cẩn trọng và kiên trì để có đối sách phòng và chống tội phạm; đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tội phạm nói chung, tham nhũng nói riêng; thường xuyên đổi mới phương pháp hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) kiến nghị với các cơ quan chức năng: Cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng chống tội phạm, khắc phục bất cập của đội ngũ công chức, viên chức gắn với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề nghị: Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm phần đánh giá liên quan đến vai trò, vị trí và hiệu quả trong việc tham gia của cả hệ thống chính trị trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời, đánh giá rõ nguyên nhân, mặt được, chưa được; đánh giá rõ thêm những yếu tố tích cực của những điểm mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng chống tham nhũng và việc chuyển đổi mô hình tổ chức của cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Tại phiên thảo luận sáng 11/7, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn một số nội dung và giải pháp liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác của Tòa án nhân dân các cấp mà trọng tâm là công tác xét xử các loại án; đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37 của Quốc hội và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam