Chỉ tính trong 9 tháng qua, theo đánh giá chung cho thấy tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT tăng cả 3 tiêu chí và như vậy mục tiêu kiềm chế TNGT của tỉnh gần như đã bị “phá sản”! Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng toàn tỉnh đã xảy ra 403 vụ TNGT, trong đó 402 vụ đường bộ, 1 vụ đường sắt, làm chết 91 người, bị thương 518 người và thiệt hại tài sản trên 435 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ giảm 17,8%, số người bị thương giảm 19,6%, thiệt hại tài sản giảm 30,6%... Riêng tiêu chí quan trọng tỉnh ta phấn đấu cần phải kéo giảm là số người chết thì ngược lại đã tăng lên đến 46,8%. Còn trong tháng 10 vừa qua (chỉ tính từ 16-9 đến 15-10) tuy chỉ xảy ra 4 vụ nhưng nghiêm trọng hơn là đã có thêm 5 người chết!...
Cảnh sát giao thông Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra, xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn giao thông.
Ảnh: Văn Miên
Qua phân tích của cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân chủ yếu đầu tiên vẫn là do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định về ATGT. Kế đến còn có trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt bằng các giải pháp thật sự hiệu quả. Việc điều tra, xử lý chưa tốt do chưa xác định địa bàn, tuyến đưuờng trọng điểm, đối tượng trực tiếp và nguyên nhân gây TNGT. Mặt khác công tác tổ chức kiểm điểm đối với người vi phạm ATGT thiếu cương quyết; sự tham gia, phối hợp của các đoàn thể chưa chặt chẽ nên chưa tạo thành phong trào mạnh mẽ để góp phần tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân…
Tai nạn giao thông và những thiệt hại do tai nạn gây ra đã và đang là mối lo và vấn đề bức xúc của xã hội. Vậy làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này?
Để hạn chế TNGT không còn là vấn đề đơn giản mà thực sự đang là vấn đề “nóng” cho toàn xã hội. Do vậy, cần phải có các giải pháp đồng bộ mang tính lâu dài và bền vững, phải xây dựng được một nền văn hóa giao thông nằm trong tổng thể chung của nền tảng văn hóa xã hội. Đối với tỉnh ta, theo chúng tôi trước mắt các ngành, địa phương liên quan cần đánh giá đúng mức tình trạng TNGT đã xảy ra để xác định nguyên nhân, qua đó đề ra các giải pháp quyết liệt khắc phục bằng “3 mũi giáp công”: một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân để mỗi người dân không những hiểu để thực hiện mà còn giám sát việc thực hiện. Hai là, tăng cường tuền tra, kiểm soát với mục tiêu có trọng tâm, trọng diểm, thực hiện việc ngăn ngừa, hạn chế, ngăn chặn… những hành vi vi phạm ATGT là chính mà không nhằm mục đích nhất là xử phạt. Ba là, cần xử lý mạnh tay, kiên quyết đối với những lái xe gây tai nạn chết người, kể cả những trường hợp cố tình vi phạm dẫn đến nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Giải pháp thì có nhiều, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức của mọi người trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông mà thôi.
Tuấn Dũng