Tràn lan nhà ở trái phép, không phép
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã phát hiện 85 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó, xây dựng không phép có 82 trường hợp (70 trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp), 3 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép, tập trung chủ yếu các phường: Phước Mỹ 35 trường hợp, Tấn Tài 17 trường hợp... Ông Nguyễn Quốc Dân, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ cho biết: “Vài năm gần đây, nhất là khi tạm ngưng dự án khu dân cư Phước Mỹ 2, tuyến đường Phan Đăng Lưu được xây dựng, tình trạng sang nhượng đất, xây dựng nhà ở của người dân diễn ra ngày càng nhiều. Phức tạp nhất là ở các con hẻm dọc tuyến đường Trương Định nối đường Phan Đăng Lưu, khu phố 8”.
Nhiều nhà ở trái phép, không phép được xây dựng trên đất nông nghiệp
ở khu phố 8, phường Phước Mỹ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là do bức xúc nhu cầu về nhà ở của người dân. Do không có điều kiện mua đất thổ cư, nhiều hộ gia đình chọn giải pháp mua đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở. Anh Nguyễn Văn Phiếu, ở khu phố 8, phường Phước Mỹ chia sẻ: Làm việc gần chục năm trời vợ chồng tôi mới tích cóp được vài chục triệu, chỉ đủ mua miếng đất nông nghiệp hơn 100 m2. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng phải mất thêm vài chục triệu nên chúng tôi đành nhằm mắt làm liều xây ngôi nhà nhỏ để ở. Nếu sau này nằm trong diện quy hoạch thì chúng tôi sẽ tự tháo dỡ”.
Nhiều người dân lại không am hiểu pháp luật, khi có đất tự ý xây dựng nhà ở, không đến chính quyền địa phương để xin giấy phép xây dựng theo quy định. Trong khi ý thức của người dân còn hạn chế thì chính quyền địa phương lại buông lỏng quản lý, không ngăn chặn, xử lý kiên quyết ngay từ đầu. Nhiều truờng hợp khi bắt đầu giai đoạn làm móng, bị chính quyền địa phương phát hiện, đến nhắc nhở, đình chỉ công trình nhưng vẫn cố tình vi phạm, tiếp tục lén lút thi công. Chỉ một vài ngày sau, khi cán bộ địa chính trở lại kiểm tra thì ngôi nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh. Hộ này xây dựng xong, lần lượt các hộ khác cứ thế tiếp tục làm theo dẫn đến tình trạng xây dựng nhà ở trái phép diễn ra tràn lan. Ngoài ra, công tác điều chỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng lại chậm trể, không theo kịp nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân cũng chính là nguyên nhân khiến vi phạm về trật tự xây dựng ngày càng tăng như hiện nay.
Khó khăn trong công tác xử lý
Ngăn chặn đã khó, việc xử lý vi phạm càng khó hơn. Đối với 85 trường hợp vi phạm trên, UBND thành phố đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 1 tỷ đồng; ra quyết định cưỡng chế 4 trường hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có 29 trường hợp thực hiện nộp phạt, với số tiền trên 272 triệu đồng; công tác cưỡng chế lại hầu như không có hiệu quả, gặp sự chống đối từ phía người dân. Đơn cử như đối với hộ ông Trịnh Đình T, trú tại khu phố 8, phường Phước Mỹ, xây dựng nhà ở trái phép, không phép với diện tích gần 80m2 trên đất nông nghiệp. Khi công trình trong giai đoạn làm móng, cán bộ địa chính đã đến lập biên bản đình chỉ, tuy nhiên ông T vẫn cố tình vi phạm, tiếp tục lén lút xây dựng. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục không thành, đến lúc thi công hơn nữa công trình, UBND phường buộc phải ra quyết định cưỡng chế phá dỡ. Tuy nhiên, trong ngày thực hiện cưỡng chế không chỉ người thân gia đình ông T, mà còn có rất nhiều người dân sống xung quanh ra ngăn cản. Nhiều người dân tỏ ra bức xúc: Hơn chục năm nay, hàng trăm hộ quanh đây đều xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nhưng hầu như không thấy chính quyền địa phương có ý kiến gì. Hiện khu vực này đã trở thành khu dân cư đông đúc. Đến giờ nhà nước mới cương quyết ngăn cản người dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp thì đã quá muộn, liệu có thuyết phục được người dân? Kết quả là việc thi hành cưỡng chế không thành.
Cần có giải pháp hợp lý
Nhằm giải quyết tình trạng trên, vừa qua, UBND Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm, trên cơ sở đó để tiến hành xử lý. Trường hợp thứ nhất, đối với các hộ xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, nếu có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hợp pháp, phù hợp với quy hoạch thì yêu cầu nộp tiền xử phạt hành chính và cho tồn tại công trình. Đối với các hộ có GCNQSDĐ, nhưng không phù hợp với quy hoạch mà gặp khó khăn về nhà ở thì yêu cầu nộp phạt và cho tồn tại công trình nhưng với điều kiện là phải cam kết không được cơi nới, mua bán, sang nhượng; đồng thời tự tháo dỡ khi nhà nước thực hiện quy hoạch thu hồi đất. Trường hợp thứ ba là nếu có GCNQSDĐ nhưng xây dựng sai nội dung cấp phép hoặc xây dựng công trình phục vụ sản xuất kinh doanh thì giới hạn trong vòng 3 tháng phải tự tháo dỡ. Riêng với trường hợp xây dựng công trình lấn chiếm đất công ích, yêu cầu tháo dỡ ngay.
Đồng chí Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: “Ngoài việc phân loại, xử lý với từng trường hợp vi phạm, thành phố cũng đã chỉ đạo các xã, phường tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời những trường hợp vi phạm; giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, bí thư chi bộ ở khu phố, nếu để xảy ra trường hợp vi phạm, không ngăn chặn, khai báo, phát hiện kịp thời sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm, có hình thức kỷ luật thích đáng, nhằm xiết chặt công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố”.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự xây dựng cho người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý cương quyết từ ban đầu. Thành phố cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chi tiết về xây dựng cho các địa phương; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dành cho người thu nhập thấp để giải quyết nhà ở cho người dân, đồng thời ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, không phép như hiện nay.
Uyên Thu