Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đa số ý kiến tán thành quy định trong Luật về hạn mức vốn nhà nước cụ thể. Có ý kiến đề nghị làm rõ, cơ sở tỷ lệ là 30% vốn nhà nước và quy định về quy mô vốn nhà nước cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền là 500 tỷ đồng; đề nghị hạ mức tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, quy định mức vốn nhà nước xuống thấp hơn vì mức 500 tỷ đồng là rất lớn. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định về mức giá trị tuyệt đối theo từng thời kỳ, bảo đảm tính ổn định của Luật.
Về cơ sở hợp lý của các hạn mức xác định quy mô vốn nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khi Quốc hội khóa XI xem xét, thông qua Luật Đấu thầu, cũng đã có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở tỷ lệ là 30%, đồng thời, đề nghị quy định tỷ lệ vốn nhà nước khác nhau theo các mức khác nhau trong tổng mức đầu tư của dự án, như: Dưới 10 tỷ đồng là 30%, dưới 100 tỷ đồng là 20%, trên mức 100 tỷ đồng là 10%; hoặc quy định phần vốn nhà nước theo mức giá trị tuyệt đối, đến mức nào phải đấu thầu thì phù hợp hơn. Quốc hội khóa XI đã quyết định: Chỉ những dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên mới phải tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Mặt khác, từ thực tiễn áp dụng Luật Đấu thầu cho thấy, có dự án sử dụng vốn nhà nước rất lớn nhưng tỷ lệ phần vốn nhà nước dưới 30% tổng mức đầu tư thì không phải thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật; trong khi đó, có dự án tuy sử dụng vốn nhà nước ít nhưng chiếm trên 30% tổng mức đầu tư của dự án lại phải tuân thủ quy định của Luật. Vì vậy, sau khi xem xét, cân nhắc mối tương quan giữa quy mô phần vốn góp nhà nước và tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư phát triển, dự án Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành nhằm quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn nhà nước: Đối với dự án sử dụng dưới 30% vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, khi sử dụng vốn nhà nước từ mức 500 tỷ đồng trở lên, việc lựa chọn nhà thầu cũng phải thực hiện theo quy định của Luật.
Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dưới 30% và dưới 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự án Luật, doanh nghiệp vẫn phải ban hành quy chế riêng về lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, khi đã xác định góp vốn vào dự án này, cần tách bạch vai trò của Nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước và với tư cách là một trong những đối tác tham gia dự án trong quan hệ kinh tế dân sự, cần tôn trọng quyền quyết định của doanh nghiệp ngoài Nhà nước là người nắm giữ đa số vốn trong tổng mức đầu tư của dự án.
Như vậy, tất cả các trường hợp sử dụng vốn nhà nước cho dự án đầu tư phát triển đều được quản lý ở các mức độ khác nhau. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự án Luật.
Báo cáo về vấn đề chỉ định thầu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, hạn chế chỉ định thầu, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như: Vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu… Ý kiến khác đề nghị rà soát, bảo đảm lường hết các tình huống cần chỉ định thầu để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Báo cáo nêu rõ, thực tế thi hành Luật Đấu thầu những năm qua cho thấy, hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu. Do vậy, dự án Luật quy định 6 trường hợp chỉ định thầu; quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư; quy định rõ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác đối với gói thầu khi có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác dù gói thầu đó thuộc trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu nhằm thể hiện quản lý chặt chẽ việc chỉ định thầu, tránh chỉ định thầu tràn lan.
Có ý kiến đề nghị không quy định về hạn mức chỉ định thầu bởi quy định như vậy có thể bị lợi dụng để chỉ định thầu thông qua việc chia nhỏ các gói thầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Khi tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện những gói thầu đơn giản, gói thầu có giá trị nhỏ, dưới một hạn mức nhất định, thì cần áp dụng hình thức chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian và chi phí. Để ngăn ngừa chỉ định thầu tràn lan, dự án Luật đã quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể như sau: Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định ưu đãi cho hàng hóa trong nước, thực hiện chủ trương vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân nhưng cần bảo đảm không trái với các cam kết quốc tế.
Sau khi rà soát, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định về ưu đãi dành cho hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Lê Công Định (Long An) cho rằng, quy định về hạn mức chỉ định thầu tại điểm a, khoản 1, Điều 22 (gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển; gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu dưới 200 triệu đồng) sẽ rất khó thực hiện bởi hiện nay, gói thầu dịch vụ tư vấn có chi phí cao, các công trình đơn giản, sửa chữa nhỏ cũng có giá trị hơn 1 tỷ đồng, do đó quy định xây lắp nhỏ hơn 1 tỷ đồng là rất khó áp dụng. Đồng thời, nếu quy định như dự thảo Luật thì số lượng gói thầu đơn giản, giá trị nhỏ phải thực hiện đấu thầu không qua hình thức chỉ định thầu sẽ là rất lớn, dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí trong tổ chức đấu thầu, gây áp lực lớn cho chủ đầu tư và cơ quan thẩm định quản lý đấu thầu.
Do đó, đại biểu Lê Công Định đề nghị, dự thảo lần này nên giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn trúng thầu là 5 tỷ đồng; đối với gói thầu tư vấn là 3 tỷ đồng; đối với gói thầu mua sắm hàng hóa là 2 tỷ đồng.
Góp ý về vấn đế lựa chọn nhà thầu, nhà dầu tư, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu rõ, vấn đề này cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, để phù hợp với thực tế, hợp lý nhưng cũng phải đảm bảo mục tiêu tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng trong đấu thầu. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, dự thảo Luật lần này có một số quy định chưa hợp lý trong vấn đề nêu trên, cụ thể: Điều 21 quy định đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Quy định này còn rất chung chung, do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn hoặc đưa vào văn bản hướng dẫn chi tiết dự án yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù bao gồm các tiêu chí để đánh gia năng lực các nhà thầu. Đại biểu kiến nghị, cần hạn chế các trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, thậm trí, có thể xóa bỏ quy định này trong dự thảo Luật.
Đồng tình với Ban soạn thảo về quy định song hành hai cơ chế là đấu thầu và đàm phán giá trong vấn đề mua thuốc của các cơ sở y tế, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) thẳng thắn nhận xét, quy định đấu thầu rập khuôn được quy định trong dự thảo và quá trình đàm phán giá không hiệu quả từ thực tế việc giải quyết hệ lụy là đại bộ phận dân cư, người có thu nhập thấp có nguy cơ không bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản một cách thuận lợi nhất, vì sự khác nhau trong quá trình thực hiện đấu thầu và đàm phán giá mua thuốc tại các cơ sở y tế khác nhau. Vì vậy, đại biểu Phương Lan đề nghị phải hết sức thận trọng trong việc dùng cơ chế thị trường để điều tiết dịch vụ y tế và phải có quy định cụ thể hơn.
Tại phiên thảo luận sáng nay, ngoài các nội dung nêu trên, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về hợp đồng với nhà thầu, nhà đầu tư; về việc thực hiện đấu thầu thông qua tổ chức đấu thầu độc lập, chuyên nghiệp; về các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm …
Trước đó, cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện.
Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam