Tốt nghiệp Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Thảo ở nhà lao động. Trở thành cộng tác viên dân số, Thảo được cán bộ Trạm y tế xã Phước Bình hướng dẫn và tham gia các lớp tập huấn kiến thức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Khi đã quen với công việc, Thảo được phân công thành lập các nhóm thanh niên sử dụng biện pháp tránh thai, làm mẹ an toàn.
Pinăng Thị Thảo, cộng tác viên dân số trẻ tuổi, tích cực.
Nhóm do Thảo thành lập hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút nhiều chị em tham gia. Hàng tháng nhóm sinh hoạt, chia sẻ với nhau về chăm sóc bản thân, con cái, gia đình, nâng cao nhận thức về CSSKSS-KHHGĐ. Để làm tốt công việc, ngoài những buổi tuyên truyền do Trạm Y tế xã tổ chức, Thảo đã đến từng hộ có phụ nữ đang mang thai để hướng dẫn họ về cách chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai và trẻ sơ sinh, khuyên bà mẹ đi khám thai định kỳ, đến trạm y tế sinh đẻ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trong thôn không có ca sinh tại nhà, trên rẫy.
Pi-năng Thị Thảo chia sẻ: Khó khăn nhất là tuyên truyền cho các hộ đông con không đẻ nữa, nhiều gia đình mong muốn tìm kiếm con gái nên dù nhà đã có 4, 5 con trai vẫn tiếp tục mang thai. Với những trường hợp như vậy, Thảo luôn tìm cách giải thích rõ cho cả vợ và chồng cùng hiểu về sự khó khăn của gia đình đông con. “Mưa dầm thấm lâu” dần dần bà con cũng hiểu và ý thức hơn trong việc sinh đẻ. Chị Katơ Thị Hun, đã có con 8 đứa con vẫn tiếp tục mang thai dù nhiều lần cán bộ y tế đến vận động, nhưng qua động viên của Thảo, chị Hun đã đồng ý tham gia triệt sản sau khi sinh con.
Anh Ngọc Văn Lâm, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Bình cho biết: “Thảo rất nhiệt tình với công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vì là người địa phương, cách truyền đạt thông tin của Thảo dễ dàng, được bà con lắng nghe và tiếp thu. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Thảo là một người biết học hỏi, lắng nghe và chăm chỉ hoàn thành tốt công việc ”.
Minh Khai