Phát biểu tại một Hội nghị quốc gia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Hidayat (Hi-day-át) đã nhấn mạnh đến mối quan tâm của chính phủ nước này trước nguy cơ các nhà sản xuất trong nước sẽ bị thua thiệt trước sự cạnh tranh hàng hóa từ các nước thành viên ASEAN khác, khi AEC chính thức bắt đầu có hiệu lực vào năm 2015. Nguyên nhân là do hàng hóa từ các nước thành viên ASEAN khác có thể sẽ tràn ngập thị trường trong nước để khai thác tiềm năng và cơ hội do Indonesia là một thị trường tiêu thụ lớn, trong đó có tầng lớp trung lưu đang ngày một mở rộng. Điều này đã và đang diễn ra, đồng thời cũng là bài học từ việc thực hiện Khu vực Mậu dịch ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) từ năm 2010, khi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã lấn át và đánh bại các các sản phẩm tương tự của các nhà sản xuất Indonesia. Ngoài ra, do cùng ở một mức độ phát triển, nên hàng hóa của Indonesia còn phải cạnh tranh xuất khẩu với các nước láng giềng khác trong khu vực trên cùng một phân khúc thị trường tại các thị trường thế giới.
Ông Hidayat –từng giữ chức Chủ tịch KADIN trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công nghiệp hồi tháng 10/2009, khẳng định AEC đem lại cả cơ hội lẫn khó khăn to lớn như nhau. Do đó, Chính phủ Indonesia không muốn những gì diễn ra với hàng hóa Trung Quốc lặp lại một lần nữa bởi khi AEC ra đời, các nền kinh tế khu vực sẽ được tích hợp bằng cách tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất với các dòng chảy tự do về vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và nguồn nhân lực. Theo ông Hidayat, các nhà sản xuất trong nước của Indonesia cần dành ưu tiên cho việc cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua nâng cao giá trị sản phẩm, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm thông qua áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Indonesia, với dân số khoảng 240 triệu người, là nền kinh tế lớn nhất, cũng là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất trong ASEAN.
Theo TTXVN