(NTO) Thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ), trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều học sinh, sinh viên thuộc diện con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số… được hưởng chính sách này. Tuy nhiên hiện nay tại một số địa phương việc chi trả gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Học sinh Trường THPT Bác Ái học nhóm ôn tập bài.
Trong 2 năm học (2010-2011, 2011-2012) huyện Bác Ái có 5.798 đối tượng học sinh, sinh viên có danh sách đề nghị thụ hưởng chính sách theo qui định. Đến nay, huyện đã thực hiện miễn, giảm học phí cho 152 sinh viên, với tổng kinh phí 362,3 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ chi phí học tập cho 5.076 học sinh phổ thông với số tiền 3,182 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn 509 học sinh có hồ sơ nhưng sai qui định và chưa có tên trong sổ hộ khẩu gia đình nên chưa nhận được chính sách này (630 ngàn đồng/năm học/em). Trong đó, học sinh nhập khẩu sai thời gian qui định, bị sai tên tuổi so với hộ khẩu gia đình có 67 em; học sinh không có hộ khẩu trong sổ hộ khẩu gia đình có 246 em (tập trung nhiều ở xã Phước Thắng: 106 em, xã Phước Thành: 48 em, xã Phước Tân: 56 em…)
Theo ông Bùi Quốc Việt, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái: Mặc dù huyện có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nhưng do công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu tại các xã còn nhiều bất cập; nhận thức của người dân về các thủ tục khai sinh, làm sổ hộ khẩu và thủ tục cho con em đến trường học còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng tên, tuổi của học sinh do cha mẹ khai trong hộ khẩu không khớp với tên, tuổi của các em ở trường học; một số học sinh chưa đăng ký nhập khẩu trong sổ hộ khẩu gia đình dẫn đến các xã sau khi nhận kinh phí về không có cơ sở để thực hiện chi trả cho học sinh; một số còn bỏ sót chưa được hưởng chính sách hiện hành. Đây là khó khăn lớn trong việc kiểm tra, xét duyệt hồ sơ ở huyện.
Không riêng huyện miền núi Bác Ái, huyện Ninh Sơn hiện cũng có 160 trường hợp do không khớp hồ sơ giữa khai sinh và hộ khẩu nên các đối tượng chính sách này vẫn chưa được hưởng các chế độ ưu đãi về miễn giảm học phí. Ông Ca Mau Chinh, Phó phòng Tư pháp huyện Ninh Sơn cho biết: Trong số này, chủ yếu là do các em khi sinh ra, không được bố mẹ chủ động làm giấy khai sinh, nhập khẩu. Khi được giáo viên vận động ra lớp thì mới khai sinh cho đủ tuổi để nhập học, nên hồ sơ không khớp về ngày, tháng, năm sinh, không có tên hoặc sai khác trong hộ khẩu, một số bị tẩy xóa không rõ ràng. Đây là đối tượng con hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc Raglai, nhưng do không được hưởng chính sách nên việc học tập của các em gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi. Đối với những trường hợp này, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp tháo gỡ. Những trường hợp khai chưa đúng phải khai lại, trường hợp không rõ ngày sinh thì thống nhất để lấy một ngày cho khớp hồ sơ, qua đó mới giải quyết được chính sách cho các em.
Để thực hiện tốt công tác chi trả các chính sách miễn, giảm học phí và chi phí học tập, các địa phương đang đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép thực hiện hỗ trợ chi phí học tập cho số học sinh của năm học 2011- 2012 do nhập khẩu trễ và điều chỉnh tên tuổi. Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tìm hướng tháo gỡ để cấp kinh phí bổ sung cho các đối tượng này trên cơ sở các địa phương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục cần thiết.
Hy vọng trong thời gian tới, đối tượng này sẽ nhận được nguồn hỗ trợ để học tập thuận lợi. Tuy nhiên các địa phương cũng cần rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu tại các xã, nhất là ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn, tránh những rắc rối trong giao dịch hành chính và thực hiện chính sách đối với người dân.
Anh Tuấn