Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh:chinhphu.vn
Chính sách về xóa đói giảm nghèo đã phát huy tác dụng
Trả lời câu hỏi liên quan đến chính sách thúc đẩy xóa đói giảm nghèo của Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với mục tiêu của Đảng thì chiến lược giảm nghèo giai đoạn 2012- 2015 được Thủ tướng phê duyệt, với rất nhiều chính sách, cơ chế cụ thể và phân công cụ thể. Trên cơ sở chiến lược đó, các địa phương đã triển khai thực hiện tốt, tạo nên bức tranh giảm nghèo đáng khách lệ. T ỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, bình quân 2%/năm, các huyện miền núi khó khăn thì khoảng 4%/năm. C ơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, hiện nay dù kinh tế khó khăn, nhiều chính sách phải cắt giảm, nhưng riêng nguồn lực cho giảm nghèo không giảm mà còn tăng. Cụ thể, nếu bình quân giai đoạn 2008-2012 nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 90 nghìn tỷ đồng/năm thì chỉ 3 năm sau Đại hội XI của Đảng, tức là từ năm 2011- 2013 nguồn lực dành cho hộ nghèo tăng lên khoảng 120 nghìn tỷ đồng/năm. Điều này khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Chính vì vậy, Việt Nam đã được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.
Nhằm tạo các bước đột phá trong công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Những chính sách giảm nghèo hiện nay cần phải được điều chỉnh phù hợp, phải xác định đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất để hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo; tăng nguồn lực từ vay tín dụng thay cho hỗ trợ trực tiếp; có chính sách mới cho đối tượng là các hộ cận nghèo…
Xung quanh chủ trương đến năm 2015 nước ta cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500 nghìn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, với mục tiêu trong 4 năm (2009 - 2012), hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 500 nghìn hộ nghèo. Theo tổng kết của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2012, cả nước đã có 531 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở. Đây được đánh giá là chương trình có hiệu quả, hợp lòng dân do chính sách hợp lý, huy động được các nguồn hỗ trợ nên quy mô, chất lượng nhà ở được bảo đảm, giúp hộ nghèo có cuộc sống ổn định hơn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ để tiếp tục thực hiện giai đoạn II.
Về mục tiêu giảm nghèo “bền vững”, một số ý kiến băn khoăn cho rằng khái niệm “bền vững” có thể khiến cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương có lý do để giảm tốc hoặc hợp pháp hóa sự chậm chạm của chính quyền địa phương. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đặt ra từ nay đến năm 2020, đó là yêu cầu tất yếu để thực hiện mục tiêu giảm nghèo có hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu trên cần tập trung nguồn lực, tăng cường phân cấp cho địa phương, cơ sở; chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo; các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo. Cùng với đó là khuyến khích tăng cường tính tự chủ vươn lên của người nghèo. Bộ trưởng cho rằng, việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng, nhưng phải làm cho người dân tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo.
Đảm bảo minh bạch chính sách hỗ trợ hộ nghèo
Trả lời băn khoăn của người dân liên quan đến việc miễn giảm học phí cho con em là sinh viên thuộc hộ nghèo vùng dân tộc miền núi và mức hỗ trợ hộ nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Chính sách giảm nghèo không phải là chính sách trợ cấp xã hội, không phải tất cả hộ nghèo đều được hỗ trợ như nhau, mà tùy theo đối tượng cụ thể để hỗ trợ như: Chính sách khám chữa bệnh thông qua cấp thẻ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo… Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối tượng được miễn giảm học phí là học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Như vậy, những gia đình thuộc hộ nghèo nhưng không phải hộ dân tộc thiểu số, có con là sinh viên, sẽ không thuộc đối tượng được miễn học phí mà được vay vốn tín dụng học sinh - sinh viên để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt.
Về tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số: 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 5/9/2012 hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, theo đó việc điều tra hộ nghèo ở cơ sở, địa phương phải tiến hành theo 3 bước: Nhận dạng nhanh thông qua chấm điểm tài sản, điều tra thu nhập những hộ có khả năng rơi xuống nghèo, sau đó tổ chức bình xét tại cộng đồng dân cư đối với các hộ có thu nhập dưới chuẩn nghèo theo qui định hiện hành. Cán bộ chính sách ấn định mức bình quân thu nhập đối với hộ dân là việc làm sai quy định. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đề nghị kiểm tra, xác minh lại sự việc và giải quyết theo quy định.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam / TTXVN