ASEAN kêu gọi Liên hợp quốc ủng hộ quá trình hợp tác Nam-Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 14-10, trong khuôn khổ Khóa họp 68 Đại hội đồng LHQ, Ủy ban các vấn đề kinh tế và tài chính (Ủy ban 2) của LHQ đã mở phiên thảo luận Đề mục “Hoạt động dành cho phát triển”.

Nét nổi bật tại phiên thảo luận là các nước đang phát triển đã nêu quan ngại về nguồn hỗ trợ dành cho các hoạt động phát triển của LHQ ngày càng suy giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các chương trình phát triển tại thực địa, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nhất. Ngoài ra, nhiều đại biểu đến từ các nước đang phát triển cũng cho rằng sự mất cân bằng lớn giữa nguồn lực thường xuyên và không thường xuyên cũng khiến việc xây dựng ngân sách không ổn định. Trong khi đó, nhiều đại diện của các nước phát triển nhấn mạnh tới khía cạnh nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực dưới nhiều hình thức khác nhau theo quy định của Nghị quyết 67/226 về Kiểm điểm Chính sách toàn diện (QCPR) hướng dẫn hoạt động phát triển của các quỹ, chương trình phát triển LHQ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, thay mặt các nước ASEAN, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ đánh giá cao vai trò cũng như sự hỗ trợ của LHQ trong các hoạt động phát triển khuyến khích LHQ tiếp tục cùng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện giữa LHQ – ASEAN, trong đó ưu tiên thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN. Liên quan đến hợp tác Nam – Nam giữa các nước đang phát triển, Đại sứ Lê Hoài Trung đã thay mặt ASEAN kêu gọi LHQ cũng như các nước thành viên của tổ chức này tiếp tục ủng hộ quá trình hợp tác Nam – Nam và mong các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và kiến thức phục vụ quá trình hợp tác này.

Đại sứ Lê Hoài Trung hoan nghênh các nỗ lực nhằm cải tổ hệ thống phát triển LHQ theo hướng hiệu quả hơn và tăng cường sự gắn kết hệ thống, nhấn mạnh tính làm chủ của chính phủ có ý nghĩa quan trọng, trong đó Sáng kiến Thống nhất hành động là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, Đại sứ cũng chia sẻ quan ngại của nhiều nước về tình hình suy giảm nguồn lực và kêu gọi các nước tài trợ tiếp tục cam kết hỗ trợ nguồn lực dành cho phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường năng lực để các quốc gia ở những trình độ phát triển khác nhau có thể đối phó với các thách thức phát triển ngày càng đa dạng..

Theo TTXVN