Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII trực thuộc Kiểm toán Nhà nước; kế hoạch bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước; sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp sáng ngày 14/10. (Ảnh: TTXVN)
Cần thiết thành lập chuyên ngành kiểm toán hoạt động
Trình bày trước UBTVQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn cho biết, hiện nay KTNN thực hiện hai hoạt động là kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, còn kiểm toán hoạt động chỉ được lồng ghép trong các chuyên đề. Vì vậy, KTNN đề nghị thành lập thêm 1 KTNN chuyên ngành về kiểm toán hoạt động, làm nòng cốt trong hoạt động kiểm toán.
Ông giải thích, đề nghị trên xuất phát từ yêu cầu khắc phục hạn chế trong tổ chức kiểm toán hoạt động thời gian qua do các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực không có đủ năng lực để thực hiện kiểm toán hoạt động. Đồng thời nâng cao vai trò của KTNN trong việc cung cấp các thông tin đáng tin cậy về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, tính hiệu lực của các cơ chế, chính sách đang triển khai thực hiện…
Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn cho biết thêm, tỷ trọng kiểm toán hoạt động trong hoạt động kiểm toán của KTNN các nước trên thế giới rất cao. Ông ví dụ, tại Đức, kiểm toán hoạt động chiếm 70% trên tổng số cuộc kiểm toán hàng năm; tại Canada số cuộc kiểm toán hoạt động chiếm 50% trên tổng số cuộc kiểm toán hàng năm. Một số quốc gia châu Âu như Thụy Điển, Thụy Sỹ… mỗi năm trung bình thực hiện từ 25 đến 30 cuộc kiểm toán hoạt động độc lập. Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia trung bình mỗi năm cũng thực hiện từ 20 đến 25 cuộc kiểm toán hoạt động độc lập, mỗi cuộc kiểm toán hoạt động thường bố trí từ 10 đến12 kiểm toán viên và thời gian mỗi cuộc kéo dài từ 9 đến 12 tháng.
Thẩm tra Tờ trình của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban này tán thành sự cần thiết thành lập KTNN chuyên ngành VIII. Đồng thời tán thành với đề nghị bổ sung biên chế bố trí cho đơn vị mới được thành lập này và đề nghị việc xác định cụ thể số lượng biên chế của đơn vị cần được tiến hành trên cơ sở xác định rõ vị trí việc làm theo quy định của Luật cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan, phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm tinh gọn, tránh cồng kềnh, kém hiệu quả.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH thảo luận tại phiên họp bày tỏ băn khoăn với đề xuất trên. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, hiện tại tổ chức bộ máy của KTNN có 07 KTNN chuyên ngành và 13 KTNN khu vực. Các đơn vị này phụ trách theo từng lĩnh vực hoặc theo địa bàn, thực hiện kiểm toán thông qua ba loại hình là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Vì vậy, bà đề nghị cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chuyên ngành VIII để phân định rõ, trách trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác, bảo đảm các hoạt động kiểm toán được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng cắt khúc trong quy trình kiểm toán.
Quan tâm tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ tán thành với đề xuất của KTNN, nhưng ông cho rằng cần tính toán kỹ thời gian thành lập chứ không phải ngay bây giờ. “KTNN ta là một ngành non trẻ, mới được thành lập, bên cạnh đó chúng ta lại trong thời gian tinh giản biên chế vì vậy cần phải tính toán kỹ” – ông phân tích.
Báo cáo thêm trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc thành lập một đơn vị độc lập chuyên về kiểm toán hoạt động làm đầu mối theo dõi, giúp Tổng KTNN thống nhất trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ đạo điều hành là rất cần thiết.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị KTNN tiếp tục nghiên cứu thêm, trước mắt vẫn thực hiện đúng chức năng của KTNN là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và cả kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Báo cáo Quốc hội vụ Vinashin, Vinalines
Cuối buổi sáng nay, UBTVQH dành thời gian cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6.
Tiếp thu các ý kiến, Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung một số báo cáo để các vị đại biểu tự nghiên cứu: báo cáo về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý giá, trong đó tập trung vào việc quản lý và bình ổn giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân như: xăng dầu, điện, khí dầu mỏ hóa lỏng (gas), phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. Tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nghị quyết của Quốc hội. Đáng lưu ý, báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về tình hình xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng mà cử tri và nhân dân quan tâm (vụ án Vinashin, Vinalines...) cũng nằm trong danh sách các vấn đề được bổ sung.
Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong chương trình kỳ họp, vấn đề nhân sự dự kiến sẽ được bố trí xen kẽ với một số nội dung khác, bắt đầu từ sáng ngày 12/11 đến sáng ngày 16/11/2013 (trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, thông qua Hiến pháp, Luật Đất đai).
Liên quan đến các nội dung cụ thể, một số vị đại biểu đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày; tăng thời gian thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ nửa ngày lên một ngày, đồng thời bố trí thêm thời gian thảo luận tổ về dự án luật này.
Với thời gian dự kiến khoảng một tháng rưỡi, có ý kiến đề nghị xem xét chia kỳ họp thành hai đợt, cách nhau khoảng hai tuần, để các đại biểu ở xa có điều kiện giải quyết các công việc ở địa phương.
Sau khi tiếp thu và sắp xếp lại, dự kiến thời gian của kỳ họp là 41 ngày, từ 21/10 đến 30/11/2013, trong đó thời gian làm việc chính thức của Quốc hội là 35 ngày./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam