Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8 diễn ra tại Brunei ngày 10-10.
Thưa Quốc Vương,
Thưa Quý vị,
Trước hết, cùng với các đồng nghiệp ASEAN, tôi nhiệt liệt chào mừng Lãnh đạo các nước đối tác, đến tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 8. Chia sẻ đánh giá của quý vị đồng nghiệp, tôi muốn nhấn mạnh thêm về vai trò quan trọng và những đóng góp chiến lược của Cấp cao Đông Á đối với hợp tác và cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Thưa Quý vị,
Khu vực Đông Á của chúng ta đang đứng trước những vận hội mới. Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển đã, đang và sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo ở khu vực. Trong bối cảnh các khu vực trên thế giới vẫn đang trải qua những bất ổn thì khu vực Đông Á đã vượt qua và đứng vững trước hai cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp trong vòng một thập kỷ qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Ngày nay, Đông Á là nơi tập trung của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới và của 8 nền kinh tế lớn và mới nổi - G20. Đông Á phát triển năng động, trở thành đầu tàu đưa kinh tế thế giới phục hồi bền vững.
Các mối liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực đang diễn ra hết sức sôi động thông qua các khuôn khổ hợp tác khu vực, bao gồm có Cấp cao Đông Á. Trong những tiến trình đó, các nước đã tin cậy, ủng hộ ASEAN giữ vai trò dẫn dắt trong các khuôn khổ hợp tác trong khu vực và góp phần tạo dựng nên các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia. Với vai trò trung tâm, ASEAN đã và đang chủ động hợp tác và gắn kết mạnh mẽ với các đối tác đẩy mạnh các nỗ lực liên kết và kết nối khu vực nhằm tạo ra một không gian kinh tế và phát triển của khu vực Đông Á với 1/2 dân số thế giới và hơn 1/3 tổng GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sâu sắc rằng, cùng với vận hội, khu vực vẫn còn đan xen không ít thách thức và phức tạp. Xu thế hợp tác vẫn còn những rủi ro trong khi sự hồi phục kinh tế chưa thật sự bền vững. Hòa bình và an ninh trong khu vực vẫn đang đứng trước những thách thức rất lớn từ mặt trái của sự cạnh tranh, can dự và đặc biệt những nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Những mất mát, đau thương và hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh tàn khốc trong quá khứ ở khu vực đã nhắc nhở nghiêm khắc chúng ta là phải bằng mọi biện pháp hòa bình, quyết cùng nhau ngăn chặn, không để xảy ra xung đột chiến tranh.
Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải có một tầm nhìn dài hạn nhằm tạo dựng một cấu trúc khu vực vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở Đông Á. Theo đó, chúng tôi đề nghị cần phát huy vai trò của Cấp cao Đông Á với tư cách là Diễn đàn của các Nhà Lãnh đạo về các vấn đề và các ưu tiên có tầm quan trọng chiến lược sau:
- Trước hết, Cấp cao Đông Á cần phát huy vai trò chủ động và quyết định của mình về mục tiêu thúc đẩy môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển tại khu vực. Điều này chỉ có thể có được trên cơ sở lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Do đó, chúng ta cần phải nỗ lực xây dựng và chia sẻ các quy định, chuẩn mực ứng xử chung ở khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã đạt được cũng như tăng cường việc xây dựng các khuôn khổ cho quan hệ và ứng xử giữa các quốc gia vì hòa bình và hợp tác ở khu vực.
- Thứ hai, Cấp cao Đông Á cần phát huy vai trò là một bộ phận quan trọng hàng đầu của cấu trúc khu vực, chủ động nâng cao sự phối hợp và bổ sung với các cơ chế hiện nay như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF và ADMM+... nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển. Chúng tôi ủng hộ quan điểm của ASEAN và các đối tác là cấu trúc khu vực Đông Á cần phải được xây dựng dựa trên các tiến trình hiện có với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Đồng thời, cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc và chuẩn mực chung như đã được quy định trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Cách ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố Bali về các Nguyên tắc Quan hệ cùng có lợi.
- Thứ ba, trước bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ, với những kinh nghiệm của quá khứ và trước những thách thức vẫn đang hiện hữu, để tạo động lực cho phát triển mạnh mẽ hơn nữa, con đường đi lên chung của chúng ta phải là vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế của mỗi quốc gia vừa tăng cường và tạo được bước chuyển về chất cho tiến trình liên kết và hội nhập khu vực. Do đó, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN hướng tới Cộng đồng ASEAN vào 2015 và những năm tiếp theo, triển khai kết nối nội khối và rộng hơn ra toàn Đông Á cũng như các nỗ lực đàm phán về tự do hóa thương mại khu vực, trong đó có xây dựng Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây chính là con đường tạo ra những lợi ích tối đa trong những không gian kinh tế mới, trong khi bảo đảm lợi ích đồng đều cho tất cả các quốc gia tham gia.
Vì sự phát triển chung, chúng tôi đề nghị Đông Á và ASEAN cần phải đặt ra chương trình nghị sự phát triển và mục tiêu ưu tiên để phù hợp theo các tiêu chí mới của Liên Hợp quốc, đồng thời để đóng góp cho phát triển bền vững, trong đó có sáng kiến về việc tăng gấp đôi GDP và giảm 1/2 tỷ lệ nghèo đói ở khu vực.
- Thứ tư, chúng ta cần đẩy mạnh các nỗ lực của Đông Á nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra, kể cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Chúng ta cần đẩy mạnh các nỗ lực về không phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Chúng tôi xin thông báo Việt Nam sẽ sớm tham gia “Sáng kiến An ninh không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt - PSI”. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục tăng cường phối hợp ứng phó với những thách thức gay gắt mang tính toàn cầu như thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cũng như các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và các điểm nóng khác như Bán đảo Triều Tiên.
Chúng ta cần nhấn mạnh rằng việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và xây dựng lòng tin ở Biển Đông, giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức tham vấn chính thức lần thứ nhất ở cấp Quan chức cao cấp về COC. Chúng ta cần ủng hộ mạnh mẽ việc ASEAN thực hiện nghiêm túc Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; ủng hộ ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực thương lượng để sớm đạt Bộ Quy tắc COC; triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC. Đồng thời, chúng tôi cho rằng, ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực.
- Thứ năm, Cấp cao Đông Á đồng thời cần tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác ưu tiên đã được xác định bao gồm năng lượng, tài chính, môi trường, quản lý thiên tai, giáo dục, y tế và bệnh dịch; và triển khai kết nối khu vực. Theo đó, chúng tôi nhất trí thông qua Tuyên bố Cấp cao Đông Á về An ninh Lương thực. Tôi cũng đề nghị Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) sớm triển khai các biện pháp khả thi và huy động nguồn lực nhằm mở rộng kết nối ASEAN ra toàn khu vực Đông Á.
Thưa Quý vị,
Với ASEAN và Đông Á, mốc 2015 và những thập kỷ tiếp theo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để tiếp tục duy trì đà phát triển, chúng ta phải cùng nhau đạt được một tầm nhìn chiến lược dài hạn và tạo dựng được một cấu trúc khu vực vì hòa bình và thịnh vượng ở Đông Á nói chung cũng như vì lợi ích của từng nước thành viên trong khu vực nói riêng. Để làm được điều đó, tất cả chúng ta cùng chung tay bằng những hành động chân thành và thiết thực, xây dựng khuôn khổ hợp tác trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau vì một khu vực Đông Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển./.
Xin cám ơn Quý vị.
Nguồn VOV.VN