Những khởi sắc…
Tỉnh ta hiện có 15 xã, với 73 thôn đặc biệt khó khăn, thuộc 4 huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc và Thuận Nam, chiếm trên 23% dân số toàn tỉnh. Với mục tiêu tập trung các nguồn nhân lực để phát triển toàn diện và bền vững, huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, kiên cố hoá, hiện đại hoá nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng GD&ĐT - Đề án Phát triển GD&ĐT tại các xã ĐBKK đã tạo được những chuyển biến tích cực, đáng khích lệ.
Học sinh Trường TH Phước Bình B, xã Phước Bình, Bác Ái được học tập trong môi trường thân thiện, thu hút các em đến trường.
Mạng lưới trường, lớp phát triển phù hợp với quy hoạch của từng cấp học. Cụ thể, tại các xã ĐBKK hiện có 59 trường học, trong đó có 17 trường mầm non, 27 trường TH và 15 trường THCS, với 11.394 học sinh; 100% giáo viên của cả 3 cấp học: mầm non, TH và THCS tại các xã đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Tỷ lệ học sinh bỏ học của 59 trường trên địa bàn 15 xã ĐBKK đều giảm mạnh so với năm 2010, đáng ghi nhận như huyện miền núi Bác Ái, hiện nay tỷ lệ học sinh bỏ học cấp TH chỉ còn 0,54%; cấp THCS là 4,5% đều vượt chỉ tiêu kế hoạch Đề án đề ra. Bác Ái và Thuận Bắc cũng là 2 địa phương đã có có 4 trường TH và 2 trường THCS tại xã ĐBKK được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn 15 xã ĐBKK đã xây dựng mới được 174 phòng học và 49 nhà công vụ cho giáo viên, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới trường lớp, thay thế các phòng học xuống cấp, tạm bợ. Ngoài ra, các trường học đã được trang bị sách giáo khoa, thiết bị học tập… để phục vụ tốt hơn cho công tác dạy và học. Nhiều trường học đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động và công trình có ý nghĩa như: lớp bán trú, cho trẻ ăn trưa tại trường, xây dựng khu vui chơi – học tập cho học sinh… từ đó góp phần xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh để các em được phát triển, giáo dục toàn diện.
Khó khăn cần tháo gỡ
Những chuyển biến về phát triển giáo dục tại 3 xã ĐBKK của địa phương là Phước Chiến, Phước Kháng và Bắc Sơn là rất đáng ghi nhận, nhưng đồng chí Dương Thanh Trí, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thuận Bắc vẫn không khỏi băn khoăn trước những khó khăn còn gặp phải. Chất lượng giáo dục tại các xã ĐBKK tuy có tăng nhưng vẫn chưa cao, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học cách nhật vẫn còn xảy ra, nhất là ở cấp THCS. Học sinh chưa có thói quen tự học ở nhà, còn lười học và ngại tham gia các chương trình bồi dưỡng, phụ đạo do nhà trường tổ chức. Trong khi đó, phụ huynh còn thiếu quan tâm đến việc học của con em và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhiều nơi phải sử dụng phòng học làm chỗ ngủ cho học sinh; giáo viên phải tự xây dựng nhà bếp, nấu ăn cho học sinh … Đây cũng chính là những khó khăn đặc thù làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các xã ĐBKK khác trên địa bàn tỉnh.
Với huyện Bác Ái, vì trên 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên có sự bất đồng ngôn ngữ và văn hóa giao tiếp rất lớn giữa giáo viên và học sinh, nhất là học sinh đầu cấp. Công tác đăng ký hộ tịch, hộ khẩu…cho học sinh dân tộc thiểu số thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra dẫn đến tên, họ trong hộ khẩu và tên học sinh đăng ký tại trường không thống nhất…vì vậy mà các khoản cấp phát, hỗ trợ cho học sinh tại vùng khó khăn thường bị chậm trễ và khó khăn, làm ảnh hưởng đến tâm lý gia đình và bản thân các em.
Để tháo gỡ những khó khăn trên cũng như thúc đẩy sự phát triển giáo dục tại các xã ĐBKK, không chỉ cần sự nỗ lực của ngành GD&ĐT mà còn rất cần sự vào cuộc và liên kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và mọi người dân trong toàn xã hội.
Bích Thủy