Đồng bào Chăm Phước Nam sử dụng máy cày làm đất chuẩn bị xuống giống vụ mùa.
Trong những năm qua, tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ của trên, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Nam chú trọng chỉ đạo các xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Hà thực hiện có kết quả việc đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư xây dựng hệ thống hồ, đập vừa và nhỏ; nâng cấp mở rộng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cho bà con trong vùng. Đến các địa phương này, chúng tôi còn thấy rõ sự đầu tư, nâng cấp đường giao thông, có trên 80% tuyến đường nội thôn, liên thôn được bê-tông hóa; nhiều tuyến đường vào khu vực sản xuất nông nghiệp cũng được đầu tư nâng cấp phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Riêng đối với xã Phước Hà, hầu hết các tuyến giao thông nông thôn được bê tông hóa.
Về lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số Chăm và Raglai, Huyện ủy Thuận Nam chú trọng lãnh đạo đầu tư phát triển theo hướng CNH, HĐH. Qua phong trào “dân vận khéo”, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, hợp tác giúp nhau thực hiện có hiệu quả các mô hình “liên kết 4 nhà” trong chuyển đổi, luân canh và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đơn cử mô hình chuyển đổi luân canh sản xuất giống cây trồng (bắp lai, táo, đậu xanh) và chương trình “3 giảm, 3 tăng” ở xã Phước Nam đã nâng hệ số sử dụng đất lên 2 đến 3 vụ/năm, chương trình “1 phải, 5 giảm” và mô hình vận động nông dân nhân giống lúa mới ở thôn Vụ Bổn (Phước Ninh) đã nâng năng suất lúa bình quân lên 6,5-7 tấn/ha/vụ. Ở xã Phước Hà, đồng bào Raglai địa phương đã thực hiện có hiệu quả mô hình nuôi bò vỗ béo, tận dụng vườn, rừng chăn nuôi các loại gia cầm để tăng thu nhập cho hộ gia đình. Đồng chí Bùi Hữu Giáo, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thuận Nam cho biết: Từ lâu, nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã biết đưa máy nông cụ vào sản xuất, đến nay hầu hết các khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm đều được cơ giới hóa, thay cho lao động thủ công và sức kéo gia súc.
Trên lĩnh vực văn hoá- xã hội, qua làm tốt công tác dân vận, Thuận Nam đã thực hiện có kết quả công tác phát triển giáo dục, y tế đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Đi từ Phước Nam, Phước Ninh lên Phước Hà, đâu đâu cũng thấy những trường học xây dựng khang trang theo hướng lầu hóa, cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập. Ở xã Phước Hà, hiện nay có 12 sinh viên là con em trong xã đang học đại học, chưa kể 10 em đang học ở Trường Thiếu sinh quân của Bộ Công an. Ở vùng đồng bào dân tộc Chăm, con em học bậc tiểu học được dạy và học thêm tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình. Các Trạm Y tế các xã đồng bào dân tộc thiểu số đều được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp; có y, bác sĩ phục vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Công tác dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số được quan tâm, trong 3 năm qua, các cấp, các ngành huyện và xã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề (chăn nuôi gà, may công nghiệp, kỹ thuật trồng nấm rơm) cho 250 thanh niên và giới thiệu trên 500 lao động dân tộc thiểu số làm việc trong và ngoài tỉnh.
Con em đồng bào Raglai xã Phước Hà được học tập trong cơ sở trường lớp khang trang. Ảnh: Sơn Ngọc
Nhờ làm tốt công tác dân vận, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thuận Nam tiếp tục phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%. Theo đó hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố nâng dần chất lượng và hiệu quả hoạt động; các chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt hơn và quốc phòng-an ninh được tăng cường. Kết quả trên đã khẳng định tác dụng tích cực của công tác dân vận đối với công tác xây dựng Đảng, tạo tiền đề cần thiết để Huyện uỷ Thuận Nam chỉ đạo hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bạch Thương