Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Đẩy mạnh hoạt động của VAMC
Cụ thể, các bộ, cơ quan theo chức năng quản lý Nhà nước, có giải pháp cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu nhưng không làm tăng nợ xấu; tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; phối hợp với Bộ Xây dựng tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai giải ngân gói cho vay hỗ trợ nhà ở.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để việc xử lý nợ xấu có hiệu quả; đôn đốc, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá và thị trường vàng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không cần thiết và chưa thật sự cấp bách, bảo đảm mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và cân đối ngân sách Nhà nước; phối hợp kiểm soát chặt chẽ giá sữa theo quy định của Luật Giá; điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Khẩn trương giúp nhân dân vùng bão lũ ổn định đời sống
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố nắm tình hình thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra, khẩn trương giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất; tăng cường dự báo, ứng phó với thiên tai; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có chính sách ổn định đời sống đối với đồng bào di cư tự do vào khu vực Tây Nguyên; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời, tăng việc làm và thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ hợp lý cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; chuẩn bị đàn gia súc, gia cầm để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho thị trường vào những tháng cuối năm.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thúc đẩy hợp tác xuất khẩu lao động ở những thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản và phát triển thị trường xuất khẩu lao động mới; có chính sách hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu đói đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Bộ Y tế, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 16/9/2013 để giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, đồng thời nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân; kiểm soát chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh và dịch vụ y tế; đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là thực phẩm nhập khẩu.
Chủ động cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại đang đàm phán với các đối tác; có kế hoạch thông tin, tuyên truyền nội dung, lộ trình mà Việt Nam cam kết, nhất là các tác động khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để doanh nghiệp chủ động hội nhập
Bên cạnh đó, chủ động phương án cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm để tránh tăng giá vào những tháng cuối năm và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Bộ Giao thông vận tải tăng cường, kiểm tra, giám sát, quản lý trọng tải, xử lý nghiêm các trường hợp xe quá tải, góp phần bảo vệ các công trình giao thông; chỉ đạo quyết liệt tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Về tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Chính phủ thống nhất nhận định, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một quá trình lâu dài, đã được thực hiện trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt là từ khi Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế là: Tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Việc thực hiện Đề án này cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài và phải có bước đi phù hợp.
Về lệ phí trước bạ xe ô tô mang biển số ngoại giao và nước ngoài chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân trong nước, Chính phủ thống nhất: Đối với xe ô tô mang biển số ngoại giao (NG), biển số nước ngoài (NN) đã đăng ký lần đầu tại Việt Nam, khi chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân trong nước thì người nhận chuyển nhượng phải đăng ký và nộp lệ phí trước bạ với mức thu từ 10-15% theo quy định của Nghị định số 23/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2013. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc áp dụng lệ phí trước bạ đối với các trường hợp này.
Bộ Công an chỉ đạo việc thu hồi biển số đối với các xe ô tô biển số ngoại giao và biển số nước ngoài khi hết hạn đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn