Tờ “Kinh tế Xanh” ngày 5/10 có bài phân tích với tựa đề “Việt Nam - quốc gia đang gây được sự chú ý với tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ”. Bài báo đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong LHQ và nhấn mạnh “Những năm gần đây Việt Nam - một quốc gia đang được chú ý với sự tăng trưởng kinh tế nhanh - đang được biết đến với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ”. Bài báo nêu rõ trước những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi LHQ đã chọn quốc gia này là một trong 8 nước để triển khai thí điểm mô hình “Một LHQ”. Và thực tế trong các năm qua, sáng kiến này đã có những thành công nhất định, tăng cường tính gắn kết và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ Việt Nam của hệ thống các tổ chức LHQ. Đây cũng là những đóng góp thiết thực của Việt Nam vào quá trình cải tổ hệ thống LHQ hiện nay và là nền tảng cho khuôn khổ hợp tác ngày càng hiệu quả hơn giữa Việt Nam và LHQ trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng
Liên hợp quốc khóa 68. Ảnh: Đức Tám/TTXVN
Bài báo nêu rõ bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Đại Hội đồng đã nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược, góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, thể hiện tinh thần Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc bài phát biểu với niềm tin rằng “Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015 sẽ được hoàn thiện hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Tất cả vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng. Tất cả để hành tinh của chúng ta mãi mãi một màu xanh. Màu xanh của hòa bình, màu xanh của phát triển bền vững”. Qua diễn đàn này, Việt Nam đã giới thiệu với cộng đồng quốc tế một cách có hiệu quả về đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị, rộng mở, cùng những thành tựu toàn diện của công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Trong khi đó, Giáo sư Son Gi-woong, thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc (KINU) có bài viết trên tờ nhật báo "Môi trường" với nhận định “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thế Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã nhấn mạnh đến các vấn đề như ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, phá rừng và coi đó là nguyên nhân của hiện tượng khí hậu nóng lên trên toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra rằng đó chính là yếu tố khiến các quốc gia rơi vào tình trạng nghèo và đói nghèo. Đây cũng là điểm thể hiện rõ ý chí của Việt Nam đối với chiến lược tăng trưởng Xanh với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Theo giáo sư Son Gi-woong, từng đói nghèo một thời, nay Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo chủ yếu trên thế giới. Việt Nam cũng đã có một vị thế mới trên trường quốc tế. Năm 2007, Việt Nam chính thức được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ và đến năm 2013, Việt Nam đã chính thức tuyên bố sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Và để xóa bỏ đói nghèo, bệnh tật, để phản đối chiến tranh, giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, để phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, vì một thế giới xanh hơn... Việt Nam đã hứa sẽ làm hết sức mình. Minh chứng cho những cam kết đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra sáng kiến xây dựng “niềm tin chiến lược” giữa các quốc gia. Giáo sư kết luận “Chúng ta hoàn toàn tán thành với quan điểm mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện qua bài diễn văn tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ rằng mọi người trên thế giới đều mơ ước được sống hạnh phúc và tự do, an toàn, hòa bình và thịnh vượng”.
Cùng quan điểm trên, trang tin tức đa văn hóa của Hàn Quốc cũng có bài phân tích, đánh giá cao nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời nhấn mạnh lời kết với câu trích dẫn: “Tôi muốn kết thúc phát biểu của mình với niềm tin rằng Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015 sẽ được hoàn thiện hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Tất cả vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng. Tất cả để hành tinh của chúng ta mãi mãi một màu xanh. Màu xanh của hòa bình, màu xanh của phát triển bền vững”.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Giáo sư Khoa học xã hội Kim Young-soon, trường Đại học Inha, Incheon, Hàn Quốc - người có thời gian dài nghiên cứu về Việt Nam và văn hóa Việt Nam, đã khẳng định “Việt Nam nói riêng và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á nói chung đều đã phải trải qua nhiều thời kỳ khó khăn với những cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài kèm theo đói nghèo. Chính vì vậy, tôi cảm nhận được chí khí hào hùng, tinh thần dân tộc được thể hiện rất rõ trong bài diễn văn mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ vừa qua. Có thể nói, điểm cốt lõi của bài diễn văn là thông điệp vì nền hòa bình cho châu Á và hòa bình cho thế giới với lời kêu gọi các quốc gia không được bỏ quên nhân loại, hãy tin tưởng lẫn nhau và cùng kiến tạo hòa bình”.
Theo giáo sư Kim Young-soon, nội dung “lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập cũng là một vấn đề mà nhân dân thế giới có thể đồng cảm. Bên cạnh đó, quan điểm về “Sự hợp tác toàn cầu - cùng chung sống trong hòa bình vì xã hội không còn những mâu thuẫn” đã giúp bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở nên thật sự có ý nghĩa.
Giáo sư cũng đưa ra nhận định: “Có lẽ Việt Nam đang dẫn đầu nhóm các quốc gia đang trên đà phát triển, nên đây là bước ngoặt có thể tiên đoán về ý nghĩa đóng góp cho thế giới và nhân loại. Hãy thử nghĩ xem nếu đó không phải là bài diễn thuyết mang tính lịch sử, chắc chắn đây sẽ là tuyên ngôn hay nhất, đáng để toàn thế giới hoan nghênh và đánh giá tích cực”.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam / TTXVN