Thủ tướng tiếp lãnh đạo hai tổ chức tài chính quốc tế

Tại Washington D.C (Hoa Kỳ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch và Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch WB, Jim Yong Kim
và Tổng Giám đốc điều hành WB Sri Mulyani Indra Wati. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tiếp Chủ tịch WB, Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc điều hành WB Sri Mulyani Indra Wati chiều 26/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Ban lãnh đạo WB đã nhất trí cao đưa Việt Nam vào danh sách các nước được tiếp tục duy trì nguồn vốn ưu đãi trong 3 năm tới (2014-2017), đồng thời đánh giá cao việc WB đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục các nhà tài trợ để huy động nguồn vốn cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), làm cơ sở để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các nước vay IDA trong giai đoạn tới.

Thủ tướng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của WB đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong xóa đói giảm nghèo, qua đó góp phần không nhỏ giúp Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình.

Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Ban lãnh đạo WB tiếp tục ủng hộ nguồn IDA cho các quốc gia còn đang có khó khăn, trong đó Việt Nam, một trong những nước vừa thoát nghèo, cần tiếp tục được hỗ trợ để đạt kết quả bền vững. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình/dự án do WB tài trợ.

Đánh giá cao hợp tác giữa WB và Việt Nam trong thời gian qua, Chủ tịch WB Jim Yong Kim khẳng định WB sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong phát triển. Đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong xoá đói giảm nghèo, kiểm soát lạm phát, phát triển bền vững, ông Jim Yong Kim cho biết, WB tiếp tục thực hiện các cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn IDA 2014 – 2017, sẵn sàng cung cấp hỗ trợ Việt Nam về vốn cho các dự án, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật…

Lãnh đạo WB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đồng thời giải ngân nhanh các nguồn vốn vay của WB.

Trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí, bà Sri Mulyani Indra Wati, Tổng Giám đốc điều hành WB cho biết: Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong ổn định tỉ giá. Theo bà Sri Mulyani Indra Wati, trong thời gian tới, Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội và xóa đói giảm nghèo. Tăng trưởng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, bà Sri Mulyani Indra Wati nhấn mạnh.

Bà Sri Mulyani Indra Wati khẳng định, WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực pháp lý để nâng cao năng lực thể chế cũng như hỗ trợ về tài chính. Hiện tại, WB đang hỗ trợ Việt Nam 8 tỉ USD qua nguồn vốn vay ưu đãi (IDA) và IBRD, nguồn hỗ trợ này đang phát huy tác dụng hết sức tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Sự hỗ trợ này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Đoàn cấp cao Việt Nam làm việc với Ban lãnh đạo WB. (Ảnh: Chinhphu.vn)

*Tiếp Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Largarde trong chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của IMF trong hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu, đặc biệt trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế chủ chốt vượt qua khủng hoảng và khó khăn những năm qua; ủng hộ những nỗ lực hiện tại của IMF trong việc cho vay hỗ trợ khủng hoảng, hỗ trợ các nước thu nhập thấp, cải cách công tác quản trị điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động của IMF.

Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của IMF dành cho Việt Nam từ trước tới nay, từ quá trình tái cơ cấu kinh tế từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa cho tới các nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiện nay.

Thông báo một số nét chính về tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012, đồng thời đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào cải cách doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị IMF tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đưa ra các đánh giá, khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tăng cường tư vấn, đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

Tổng Giám đốc IMF Christine Largarde đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, qua đó tạo nền tảng vĩ mô ổn định, vững chắc để góp phần thu hút mạnh hơn nữa các luồng vốn FDI nhằm hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển.

Bà Christine Largarde khuyến khích Việt Nam cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển hơn nữa khu vực tư nhân, tiếp tục cải cách khu vực tài chính và duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, tăng hiệu quả và lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời cần huy động các nguồn lực khác nhau để phát triển kinh tế, đồng thời khẳng định IMF hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; tin tưởng với các biện pháp toàn diện như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được những thách thức về kinh tế vĩ mô.

Nguồn www.chinhphu.vn