Hội thảo “An sinh xã hội: Kinh nghiệm Nhật Bản và gợi mở cho Việt Nam”. Ảnh: VGP/Quang Minh
Hội thảo là diễn đàn xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của Nhật Bản và Việt Nam. Tại Hội thảo, các bài tham luận sẽ tập trung xem xét 2 vấn đề trụ cột của ASXH là Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Từ phía Nhật Bản có 2 bài tham luận của Giáo sư Hiroi Yoshinori, Đại học Chiba và ông Nakamura Shintaro, Chuyên gia hợp tác quốc tế của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA). Các ông đã phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trong hướng tiếp cận ASXH giữa hai nước, trên cơ sở đó gợi mở cho Việt Nam những vấn đề cần đột phá trong chính sách và thực tiễn về ASXH.
Qua hai bài tham luận có thể thấy nhiều điểm khác biệt giữa y tế của hai nước. Ở Nhật Bản các bệnh viện tư nhân chiếm 80%, trong khi tại Việt Nam, bệnh viện công chiếm 90%. BHYT của Nhật Bản được chia làm nhiều loại cho từng đối tượng khác nhau (người già, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, nông nghiệp – người tự kinh doanh và người thất nghiệp) còn ở Việt Nam BHYT lồng ghép nhiều đối tượng, chính sách xã hội...
Đại diện JICA, ông Eiichiro Hayashi cho rằng hiện nay chế độ ASXH (đặc biệt là chế độ BHYT và hưu trí) ở Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập y tế toàn dân khi hơn một nửa lực lượng lao động nông nghiệp chưa tham gia BHYT.
Đồng thời ông Hayashi cũng nêu lên vấn đề về phương thức chuyển giao trách nhiệm đóng BHXH (đặc biệt là lương hưu) giữa các thế hệ hiện nay dễ dẫn đến thâm hụt ngân sách, làm vỡ quỹ bảo hiểm và để lại những hệ lụy xã hội.
“Chúng tôi mong rằng hội thảo sẽ có phần thảo luận tích cực nhằm cung cấp những gợi mở cho việc hoạch định chính sách ASXH ở Việt Nam”, ông Hayashi nói.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có bài tham luận nhấn mạnh: “Trong dự thảo luật BHYT trình Quốc hội vào tháng 10 tới sẽ phân cấp quản lý quỹ BHYT cho các tỉnh, thành. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm với quy định cụ thể. Việc này nhằm khắc phục tình trạng địa phương ỷ lại Trung ương. Quản lý tốt thì tỉnh được hưởng, quản lý kém thì tỉnh phải bỏ ngân sách của mình bù vào. Có như vậy mới minh bạch được gói quyền lợi của BHYT”.
Nhìn chung, sau buổi thảo luận của đại diện hai nước, phía Việt Nam cho rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp như: Cải thiện môi trường đầu tư, điều chỉnh mức đóng và hưởng BHXH, tăng cường nâng cao nhận thức của người lao động, các nhà quản lý cần nghiên cứu và đưa ra chính sách phù hợp… để tăng nhanh số người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, phù hợp với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2020.
Nguồn Chinhphu.vn