Lực lượng bảo vệ rừng Trạm Ma Nới thường xuyên tuần tra thu giữ lâm sản khai thác trái phép.
Ảnh: Sơn Ngọc
Quản lý gần 10.700 ha diện tích đất rừng tự nhiên thuộc khu vực xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) giáp ranh huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), trong khi đó lực lượng Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Krông Pha quá mỏng. Những năm qua, tình trạng phá rừng nơi đây diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là tình trạng phá rừng làm rẫy của bà con vùng giáp ranh với huyện Đơn Dương. Theo ông Phan Phú, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha, lâm phần quản lý của đơn vị chủ yếu thuộc khu vực giáp ranh 2 tỉnh, một số tiểu khu thuộc khu 73, 62, 56…đất đai màu mỡ rất thuận lợi để trồng và phát triển cây cà phê, cây ăn trái nên người dân trong vùng thường xuyên phá rừng, lấn chiếm đất rừng để trồng trọt, trong khi đó khu vực này lại có địa hình rất hiểm trở, bị chia cắt mạnh, từ xã Lâm Sơn đi lên không có đường giao thông, muốn tuần tra, kiểm soát rừng các khu vực này, các lực lượng phải đi đường vòng nhiều cây số vượt dốc, đồi. Lực lượng Trạm QLBVR Tà Nôi, thuộc biên chế của Công ty TNHH Lâm nghiệp Ninh Sơn phải đảm trách nhiệm vụ kiểm soát, tuần tra quản lý hơn 5.000 ha rừng ở địa bàn giáp ranh giữa khu vực thôn Tà Nôi, xã Ma Nới với xã Đắc Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) là nhiệm vụ vô cùng vất vả.
Ngoài những khó khăn vất vả trong công tác QLBVR, việc phải đối mặt với nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới tính mạng đối với các lực lượng này cũng rất đáng lo ngại khi lâm tặc ngày càng manh động. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay lâm tặc thường tập trung thành từng nhóm hàng chục người để phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Khi bị phát hiện, chúng dùng hung khí chống trả quyết liệt. Thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều vụ việc các lực lượng làm công tác QLBVR bị thương tích khi đối mặt với lâm tặc, gây bức xúc trong dư luận.
Mặc dù hiện nay nhiều đơn vị quản lý lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những mức hỗ trợ cho các lực lượng thuộc các trạm QLBVR, nhưng thu nhập của các lực lượng này nhìn chung còn khá thấp. Điển hình như tại Ban QLRPH Krông Pha, bình quân thu nhập của anh em làm công tác QLBVR sau khi đóng các mức bảo hiểm chỉ còn lại khoảng 1,5 triệu đồng/người. Nếu cộng thêm một số khoảng phụ cấp cũng chỉ từ một đến hai trăm ngàn đồng. Công tác QLBVR là trách nhiệm chung của xã hội, với các lực lượng làm công tác này nhiệm vụ của họ lại càng nặng nề và vất vả hơn rất nhiều. Thiết nghĩ, các cấp ngành, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ mọi mặt về tinh thần, vật chất để các lực lượng này an tâm công tác, góp phần quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn nữa trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Sơn