Trong 8 tháng năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 364 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 83 người chết, 475 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 400 triệu đồng (so với cùng kỳ năm 2012: giảm 83 vụ, tăng 21 người chết).
Tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều.
Nằm trong nhóm giải pháp trọng tâm của công tác đảm bảo trật tự ATGT là hoạt động tuyên truyền với sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Từ những chương trình phối hợp liên tịch giữa ngành Công an và Uỷ ban MTTQVN, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục & Đào tạo,… các mô hình cụ thể tại từng thôn, khu phố như “Đoạn đường ATGT”, “Cổng trường ATGT”,… các địa phương còn tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT. Các xã, phường, thị trấn cũng lập danh sách những đối tượng thanh-thiếu niên thường xuyên chạy xe nẹc bô, phóng nhanh, gây mất trật tự trong khu dân cư để quản lý, giáo dục; đồng thời đưa ra kiểm điểm những đối tượng vi phạm pháp luật về ATGT bị lực lượng chức năng xử lý, gửi thông báo về địa phương. Ở khối các cơ quan, đơn vị, các cấp ủy Đảng, Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên… cũng quan tâm đưa nội dung chấp hành pháp luật về ATGT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua. Hàng loạt chương trình về ATGT cũng được tuyên truyền tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể thấy, ATGT đã trở thành một trong những nội dung được quan tâm, chú ý và phổ cập rộng rãi trong nhân dân.
Thượng tá Vũ Văn Duy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về ATGT, mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận là đa phần người tham gia giao thông mặc dù biết luật nhưng lại không tự giác chấp hành. Quan sát tại các điểm đèn tín hiệu giao thông, hiện tượng vượt đèn đỏ vẫn diễn ra, nhất là đối tượng thanh-thiếu niên, học sinh. Một cán bộ Cảnh sát giao thông bức xúc: Ngày nay, đến cả các em thiếu nhi còn biết quy định “đèn đỏ dừng lại, đèn xanh mới được phép đi”, nhưng nhiều bậc phụ huynh chở con em mình mà vẫn cứ vượt đèn đỏ thì thật nguy hại.
Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy đã trở thành “chuyện không của riêng ai”. Một đoạn đường ngắn và không có cảnh sát giao thông là lý do mà nhiều người đưa ra để chống chế cho hành vi vi phạm của mình. Trong khi nhiều người vẫn chưa tự ý thức được việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ tính mạng của bản thân, thì việc yêu cầu họ đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng thì…quả là khó!? Theo một thống kê, có đến hơn 80% các vụ TNGT có liên quan đến rượu bia. Câu khẩu hiệu “Hãy nói không với rượi bia khi tham gia giao thông” dường như vẫn chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, trong khi thực tế, sau mỗi đám cưới, buổi tiệc, hay tại các quán nhậu, nhà hàng,… những chiếc ô-tô, xe máy vẫn được điều khiển bởi những cái đầu và đôi tay đang dần mất kiểm soát.
Từ thực tế đó, có thể thấy, mặc dù công tác tuyên truyền về trật tự ATGT đã được triển khai thường xuyên, rộng rãi nhưng tác động đến ý thức người dân chưa sâu. Theo phản ảnh của nhiều địa phương, đa phần việc tuyên truyền về ATGT được lồng ghép thực hiện trong các buổi họp dân. Tuy nhiên, để vận động được đông đảo nhân dân đến tham gia đã rất khó, chủ yếu thuộc nhóm người cao tuổi. Một nguyên nhân khác là các biện pháp, hình thức tuyên truyền chưa thu hút được người dân, chưa tác động đến nhận thức của từng người khi tham gia giao thông. Nếu đội ngũ làm công tác tuyên truyền thực sự quan tâm, xây dựng những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm địa phương thì hiệu quả mang lại sẽ rất tốt. Xã Xuân Hải (Ninh Hải) là một ví dụ. Trong khi tình hình TNGT trên toàn huyện tăng, thì tại xã Xuân Hải, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân được cải thiện đáng kể, tình hình TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2012. Ông Báo Ngọc Tính, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã cho biết: Chúng tôi đã cùng với lực lượng Công an địa phương xây dựng phương án, phân công cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể để làm công tác tuyên truyền đến từng thôn, từng đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Nhờ vậy mà trên địa bàn đã giảm bớt các vụ tai nạn, va chạm giao thông. Hay như lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Thuận Nam, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho nhân dân trên địa bàn, đơn vị đã xây dựng nhiều chương trình tuyên truyền, cụ thể hóa thành các tiểu phẩm, tổ chức đến từng xã để chiếu phim về ATGT, vận động người dân đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng,…Việc nhân rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác tuyên truyền sẽ tạo hiệu ứng tích cực hơn về nhận thức của người tham gia giao thông.
Bảo Bình